Học sinh bị đánh tím tay vì làm thiếu bài tập về nhà

26/04/2017 19:38 GMT+7

Một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Mễ Trì, Hà Nội bị đánh thâm tím cánh tay chỉ vì làm thiếu bài tập về nhà khiến người nhà của em đã quyết định lên tiếng để giáo viên phải tự sửa mình.

Ngày 25.4, anh Mạnh Thắng, người nhà (bác họ) của một học sinh lớp 5, Trường tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã đăng tải hình ảnh cháu mình bị giáo viên chủ nhiệm đánh tím bầm tay vì không làm đủ bài tập.
Kèm theo hình ảnh, anh Mạnh Thắng viết: "Cô giáo hay "mẹ hiền"? Theo các bạn, nên xử lý như thế nào trong trường hợp này? Đây là ảnh chính tay em chụp từ nạn nhân là cháu gái em. Cháu năm nay học lớp 5 - Trường tiểu học Mễ Trì. Chỉ vì cháu không làm đủ bài tập mà cô giáo chủ nhiệm lỡ đánh cháu như vậy...”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, anh Mạnh Thắng cho biết, chiều nay anh đã đến gặp và trao đổi với Hiệu trưởng Trường tiểu học Mễ Trì, tuy nhiên cô Châm, giáo viên chủ nhiệm - người đánh cháu gái anh không có mặt tại buổi làm việc này, với lý do bận công việc khác.
Theo anh Thắng, tại buổi làm việc, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tiệp xác nhận sự việc đúng là xảy ra ở trường mình, giữa cháu Y. (học sinh lớp 5) và cô giáo chủ nhiệm tên Châm (43 tuổi). Hôm đó, trong buổi làm bài trên lớp, cháu Y. nói với cô đã làm xong hết bài tập, nhưng khi cô chủ nhiệm kiểm tra, thấy có bài vẫn chưa làm. Do nóng nảy, cô Châm đã cầm thước vụt vào tay cháu Y.
Cũng theo anh Thắng, thầy Hiệu trưởng còn chia sẻ cô Châm là một giáo viên rất năng nổ trong các hoạt động của nhà trường, là một giáo viên “cầu toàn”, không muốn học sinh của lớp mình có thành tích học tập thua kém so với lớp khác. Do vậy, cô Châm có phần nghiêm khắc khi thấy học sinh của mình không đạt được yêu cầu mình đặt ra.
Một trong hai tờ giấy viết tay của bố cháu Y. đề nghị "bỏ qua" cho cô giáo Ảnh Tuệ Nguyễn
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết, trong khi chờ cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý kỷ luật với cô Châm, nhà trường đã bổ sung thêm 1 giáo viên để cùng với cô Châm giảng dạy lớp 5E cho đến khi kết thúc năm học.
“Thời điểm các cháu đang chuẩn bị thi học kỳ 2, giáo viên chủ nhiệm là người sâu sát nhất với học sinh trong suốt cả năm học, nếu thay đổi giáo viên thì học sinh sẽ gặp phải khó khăn trong giai đoạn rất quan trọng này”, ông Tiệp lý giải.
Ông Tiệp còn cho hay, sáng nay lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Nam Từ Liêm đã xuống trường trực tiếp nghe cô Châm và nhà trường báo cáo, giải trình sự việc. Trong cuộc họp, cô Châm tỏ thái độ rất ăn năn, hối hận về hành động của mình, mong muốn lãnh đạo Phòng, Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp và gia đình thứ lỗi, cho cô cơ hội sửa sai.
Cũng theo ông Tiệp, bố mẹ ruột của cháu Y. cũng đã trực tiếp đến làm việc với nhà trường. Bố cháu Y. đã có một văn bản (viết tay) gửi Ban giám hiệu trình bày lại sự việc, đề nghị “thông cảm, bỏ qua cho cô”.
Theo bản viết tay của bố cháu Y. mà ông Tiệp cho phóng viên Thanh Niên xem, bố cháu Y. viết: “... cô nhận thấy sai nên gọi điện, đến tận nhà xin lỗi gia đình và cháu. Tôi thiết nghĩ con mình cũng có lỗi nên thông cảm cho cô… Vì vậy tôi làm đơn này là để mong nhà trường cùng ban lãnh đạo thông cảm bỏ qua cho cô trò…”.
Ông Tiệp cho biết, hội đồng kỷ luật của trường đã tiến hành họp, kiểm điểm với cô Châm, quan điểm là không bao che với lỗi lầm của bất cứ cá nhân nào. Tuy nhiên, xử lý kỷ luật ra sao thì phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng là UBND quận Nam Từ Liêm.
"Hiện cháu Y. vẫn đi học bình thường, tay đã không còn thâm tím nữa", ông Tiệp cho biết và cung cấp cả hình ảnh tay cháu Y. mà ông chụp lại trong ngày hôm nay.

tin liên quan

Làm video clip 'tố' giáo viên 'đì' con mình

Ba ngày qua, dư luận ở Cà Mau bất ngờ trước nội dung một video clip dài gần 7 phút của một phụ huynh tố giáo viên Trường THCS Ngô Quyền, P.1, TP.Cà Mau (Cà Mau) 'đì' con mình.

Anh Mạnh Thắng, người đưa hình ảnh lên mạng, chia sẻ thêm với phóng viên Thanh Niên: "Điều khiến tôi quyết định chụp ảnh và đưa sự việc công khai lên mạng xã hội không phải vì muốn cô Châm phải bị xử lý kỷ luật nặng nề hay phải ra khỏi ngành, mà muốn cảnh báo để lên án một hiện tượng phản giáo dục, để không chỉ cô Châm, mà những giáo viên có hành vi bạo hành với học sinh phải thực sự thấy phải thay đổi nếu còn tiếp tục giảng dạy. Tôi biết hành vi bạo hành với học sinh như trường hợp cô Châm không phải là cá biệt nên rất muốn ngăn chặn điều này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.