Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 3: Chỉ xem là công trình phụ

31/10/2014 03:50 GMT+7

Những lo lắng, bất cập về nhà vệ sinh học đường tưởng như là chuyện quá cũ nhưng vẫn sẽ là nỗi lo thường trực nếu vẫn giữ tư duy xếp vào diện “công trình phụ” như hiện nay.


Chiều 30.10, trước cửa khu nhà vệ sinh Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) khoảng 10 m, phụ huynh đưa đón con đều phàn nàn khi nghe mùi hôi thối bốc ra từ nhà vệ sinh - Ảnh: Tuấn Phạm 


Khu vệ sinh ở một trường "điểm" vào loại bậc nhất ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Hà Nội vẫn có trường không nhà vệ sinh

 

Mục tiêu chỉ nằm trên giấy

Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012 - 2015 nêu rõ: “Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% các trường mầm non và phổ thông có đủ nước sạch và NVS hợp vệ sinh”. Thế nhưng đối chiếu giữa tình hình thực tế đến thời điểm này ở chính những địa bàn thuận lợi nhất là Hà Nội và TP.HCM thì mục tiêu đó chắc chắn sẽ là một trong không ít mục tiêu chỉ nằm trên... giấy.

Chẳng phải miền núi xa xôi, ngay tại Hà Nội vẫn còn trường học chưa có nhà vệ sinh (NVS). Đó là Trường mầm non Hữu Bằng, H.Thạch Thất. Trường học xuống cấp, không có NVS đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết.

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Lâu nay, các cháu phải đi vệ sinh vào bô rồi sau đó nhân viên vệ sinh của trường có trách nhiệm mang đi đổ. Vẫn biết là rất bất tiện và mất vệ sinh nhưng không có cách nào khác”. Hiện nay trường có 19 lớp học với 552 cháu.

Nhà trường cũng không có NVS nào cho giáo viên, mỗi khi có “nhu cầu”, các cô lại phải sang nhà dân ở gần đấy để “đi” nhờ, bà Hường cho hay.

Năm 2012, dự án xây dựng Trường mầm non trung tâm xã Hữu Bằng (do UBND H.Thạch Thất làm chủ đầu tư) đã được phê duyệt với tổng mức dự toán 45,6 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất 10.238 m2, với quy mô 20 phòng học, nhà bếp và các hạng mục phụ trợ... Thế nhưng đến nay công trình vẫn chưa được khởi công.

Nỗi ám ảnh của cả học sinh “trường điểm”

Ngay tại trung tâm Hà Nội, ở những nơi được xem là “trường điểm” thì NVS cũng vẫn luôn là nỗi ám ảnh của học sinh (HS) và cả phụ huynh. Nhiều trường học đã xây dựng lâu năm ở vào thời điểm số lượng HS chưa đông nên việc bố trí số NVS cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức thấp. Khi số HS quá tải, trường cố gắng co kéo để có thêm chỗ học cho HS đã khó nên việc có đủ NVS đúng tiêu chuẩn là điều vẫn chỉ là mơ ước.

Một phụ huynh HS Trường tiểu học Nam Thành Công, Q.Đống Đa, tâm sự: “Con vào lớp 1 học bán trú cả ngày ở trường, lo nhất vẫn là việc vệ sinh ở trường. Có hôm cháu về kể, NVS bốc mùi ghê quá nên cháu phải vừa bịt mũi vừa kéo quần, hậu quả là chiếc quần đã bị rơi xuống đúng chỗ… bẩn. Con không biết làm thế nào cứ đứng đó khóc. Nghĩ mà thương con chảy nước mắt”.

Còn một phụ huynh HS Trường tiểu học Cầu Diễn, Q.Từ Liêm, cho hay: “Cháu nhà tôi mấy tháng trời đi học về đến nhà là quăng cặp chạy thẳng vào NVS. Hỏi ra mới biết NVS vừa bẩn vừa xa lớp học vì lớp học ở một tầng còn NVS ở tầng khác nên không muốn đi”.

Không có trong tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia ?

 

Phải tự bảo vệ

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nhiều NVS ở các trường học vẫn là loại xí xổm, cũ kỹ, ẩm mốc và không có bồn rửa tay. Giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay là những thứ không... xuất hiện ở nhiều NVS trường học. Nhiều nơi phụ huynh phải góp tiền để trang bị cho các con nhưng cách mà phụ huynh thường làm là mua sẵn cho con các loại giấy khô, giấy ướt, nước rửa tay để trong cặp và nhắc con hằng ngày về việc tự giữ gìn vệ sinh cá nhân. “Lo nhất là cháu vì sợ đi vệ sinh ở trường mà nhịn uống nước, ảnh hưởng tới sức khỏe” - không ít phụ huynh chia sẻ.

Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100 - 200 HS trong một ca học phải có 1 hố tiêu. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 HS có 1 hố tiêu.

Tuy nhiên, điều này còn quá xa vời với các trường học ở thành phố lớn. Ví dụ các trường tiểu học như: Kim Liên, Kim Đồng, Đặng Trần Côn, Trung Tự… ở Hà Nội sĩ số lên tới 60 HS/lớp thì quá tải NVS là điều không thể tránh khỏi. Quy định vì thế vẫn chỉ ở trên giấy khi mà hàng ngàn HS mới có được một NVS chứ đừng nói đến việc mấy chục hoặc 100 HS.

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vấn đề NVS trường học được đặc biệt quan tâm. Lúc bấy giờ khi phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vệ sinh trường học đã được đưa vào như một tiêu chí quan trọng. Trường học chỉ được coi là trường học thân thiện khi có NVS hợp vệ sinh, có đủ nước sạch. Thống kê của Bộ GD-ĐT thời điểm đó cho thấy, từ khi phát động phong trào này, tỷ lệ công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học tăng 2% mỗi năm.

Tuy nhiên, điều khiến cả phụ huynh và ngay bản thân những người làm giáo dục khá băn khoăn là quy định về trường chuẩn quốc gia của Bộ không hề nhắc đến NVS trường học. Hiệu trưởng một trường tiểu học nói: “Nếu tiêu chí về cơ sở vật chất của trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài việc quy định về diện tích/HS, sân chơi bãi tập… mà thêm NVS và nước sạch đúng theo quy định của Bộ Y tế thì khi đầu tư xây dựng trường học, chính quyền địa phương sẽ chú ý đến hạng mục này”.

Đặt vấn đề này với Cục Cơ sở vật chất trường học, Bộ GD-ĐT thì một lãnh đạo chuyên về mảng cơ sở vật chất cũng cho biết: “Không có một báo cáo thống kê hay theo dõi riêng về nhà vệ sinh trường học”.

Tất nhiên, NVS trường học được lồng ghép trong những chương trình, phong trào khác như đã nói ở trên nhưng rõ ràng, điều đó cũng cho thấy vệ sinh học đường vẫn bị coi là… công trình phụ cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tuệ Nguyễn

>> Học sinh không dám đi... vệ sinh
>> Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 2: Hoàn cảnh lâu năm khó nói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.