Năm 2014, khi nghe những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân là do tài xế ngủ gật gây ra, Nguyễn Ngọc Đức (ngụ tại thôn 4, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, hiện là học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã nảy ra ý định sáng chế một thiết bị chống ngủ gật cho tài xế.
Lúc ấy Đức mới học lớp 10, bố mẹ em cho rằng con mình có ý nghĩ viễn vông nên đã khuyên em chuyên tâm vào chuyện học hành. Nhưng ý tưởng của Đức đã được thầy Lê Ích Tâm, giáo viên tin học của Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên ủng hộ, bởi thầy Tâm nhận ra ở Đức sự đam mê nghiên cứu nghiêm túc. Đặc biệt, Đức có tố chất học tốt các môn tự nhiên và rất đam mê với môn tin học.
Đầu năm 2015, Đức bắt tay vào nghiên cứu. Sau gần một năm ròng rã, đến cuối năm 2015, chiếc máy chống ngủ gật do Đức sáng chế ra đời. Tuy còn đơn sơ, cồng kềnh, nhưng khi đưa ra thử nghiệm được nhà trường đánh giá cao.
Đức cho biết: “Thiết bị chống ngủ gật được thiết kế cho lái xe ô tô theo mô hình máy tính thu nhỏ. Thiết bị này gồm 2 phần, phần cứng gồm một máy tính mini, một bộ xử lý cho màn hình; phần mềm được sử dụng ngôn ngữ lập trình Csharp có sử dụng mã nguồn mở và một số thư viện histogram về nhận dạng ánh mắt, khuôn mặt”.
Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản, khi camera màn hình thu hình con người thì bộ xử lý sẽ nhận diện ra điểm khác biệt trên khuôn mặt đâu là mắt, mũi, tai, từ đó sẽ tìm ra được ánh mắt qua biểu đồ ánh sáng để phân biệt độ sáng, tối của mắt, phân biệt lái xe đang thức hay đang ngủ. Sau khi đã nhận dạng xong, bộ xử lý sẽ tiếp tục đưa ra các trường hợp để xử lý.
Ban đầu, máy sẽ cảnh báo bằng giọng nói: “Bạn đang trong trạng thái không tập trung, đề nghị tập trung lại” (cảnh báo bằng giọng nói để tránh tình trạng khi báo động đột ngột sẽ làm lái xe giật mình), sau đó là cảnh báo bằng còi báo động. Khi lái xe đã trở về trạng thái tỉnh táo, máy sẽ tiếp tục sử dụng sóng não B ta để giúp lái xe tập trung hơn.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, Đức cho biết: “quá trình em tìm tòi, sáng tạo, khó khăn nhất là thiết lập phần mềm Csharp, bởi trong chương trình học của nhà trường không dạy nên em phải lên mạng tìm đọc. Máy được nâng cấp giao diện xử lý ngôn ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt nên phù hợp cả với người nước ngoài. Sắp tới em muốn cải tiến phần cứng có thể lập trình trực tiếp trên các mao mạch xử lý nhằm nâng cao tốc độ xử lí và sử dụng các webcam chống rung cho lái xe dễ dàng sử dụng khi di chuyển trên đường. Em cũng đang nghiên cứu để cải tiến sản phẩm cho gọn nhẹ và nâng cao độ chính xác của thiết bị”.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên cho biết, Nguyễn Ngọc Đức là học sinh học tốt các môn tự nhiên và ham mê tin học. Quá trình em sáng chế thiết bị chống ngủ gật, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện về tài chính để em hoàn thành.
Năm 2015, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa, vượt qua 700 đề tài, sáng chế của Đức đã đạt giải Nhất. Tại cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức và trao giải vào tháng 3.2016 (tại Hải Phòng), máy chống ngủ gật của Đức đạt giải Nhì.
Đức đã được Bộ GD-ĐT tặng Giấy chứng đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2015-2016; Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã có thành tích đạt giải Nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học năm 2015-2016. Dự định sắp tới của Đức là sang năm 2017 sẽ tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
tin liên quan
Cậu bé lớp 3 và chiếc bẫy bắt ruồi vàng độc đáoChỉ với những dụng cụ đơn giản như ống nhựa, quặng, tấm thiếc… trị giá chưa tới 100.000 đồng, Phạm Nguyễn Bảo Duy (học sinh lớp 3A, Trường tiểu học Đông Phú 1, xã Đông Phú, H.Châu Thành, Hậu Giang) đã làm ra bẫy giúp nhà vườn bắt ruồi vàng mà không cần dùng thuốc.
Bình luận (0)