Theo Ban tổ chức ngày hội, chủ đề này xuất phát từ ý tưởng từ thực tế: thế giới của chúng ta đang tràn ngập thông tin, muôn hình vạn trạng, thật và giả, công khai và riêng tư, luôn biến hóa từng phút, từng giây. Cái phong phú ấy phải chăng là hoàn toàn hỗn độn, không tiên liệu được và không bảo vệ được?
|
Toán học, từ thời cổ đại đến nay, luôn cung cấp cho chúng ta một chiếc chìa khóa để giải quyết những vấn đề then chốt và trong sự phát triển của cuộc sống ngày nay, toán học cũng đã tự chuyển mình giúp con người kiến tạo nên những ngành học mới về trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu, mật mã và giải mã, mô hình và mô phỏng ...
Hãy cùng bước vào những chân trời mới đó để khám phá những quy luật trong sự hỗn loạn, những phương cách tái tạo dữ liệu từ các phần mất mát và sai lệch, những cuộc đấu trí tấn công hay bảo vệ dữ liệu và những cách kiếm tìm các hạt ngọc tri thức cô đọng và quý giá từ biển thông tin mênh mông.
|
Ngày hội toán học mở là một chuỗi các chương trình mở về toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục tới từ nhiều tỉnh thành có những dịp cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của toán học thông qua triển lãm và các hoạt động trải nghiệm mang tên “Những ô cửa toán học”; hay “Trong xứ sở toán học diệu kỳ” …
|
Các học sinh, sinh viên đã có một ngày trọn vẹn cùng nhau trải nghiệm và giao lưu văn hóa toán từ những góc độ mới, tích cực, chủ yếu thông qua các hoạt động sáng tạo, các tọa đàm trò chuyện, đối thoại mở, những bài giảng đại chúng thú vị, hấp dẫn vừa có tính thực tiễn vừa có tính chuyên sâu, gợi mở, vui vẻ, truyền cảm hứng. Ngày hội cũng là nơi để học sinh, giáo viên các trường phổ thông được thể hiện những thành quả toán học của chính mình và giao lưu với các nhà toán học.
|
Chương trình ngày hội toán học mở 2018 còn có những hoạt động thu thút được các nhà khoa học, toán học trong và ngoài nước cũng như giáo viên và học sinh với chùm bài giảng đại chúng “Toán học không xa cách” .
Trong đó có bài giảng như: “Bảo mật thông tin trong thời đại số” do GS Phan Dương Hiệu, Đại học Limoges (Pháp) trình bày; bài “Vật lý thiên văn tính toán - từ hố đen siêu nặng trong nhân thiên hà đến sự hình thành của hệ hành tinh” của GS Đinh Văn Trung (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam); “AI nào cho Việt Nam” của GS Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện John von Neumann)...
Bình luận (0)