“Nhiều lúc muốn thoát khỏi cuộc sống này”
Sáng 21.1, chị V.T.H (37 tuổi, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hốt hoảng gọi điện cho chúng tôi vì đêm trước vô tình đọc được nhật ký của con gái. Con chị H. là L.N học lớp 9, ở Quảng Ngãi.
Chị nghẹn ngào: “Tôi không kìm được cảm xúc cũng như sự bình tĩnh khi đọc được những dòng nhật ký của con mình. Con tôi tâm sự chỉ vì không đi học thêm mà bị đối xử khác với học sinh khác, bị hắt hủi. Con rất áp lực và chỉ muốn 'đi theo' ông bà nội”.
Chị H. kể, con mình viết nếu chết bây giờ thì sợ ba mẹ sẽ có một cái tết đau lòng. “Cháu viết là nhiều lúc muốn thoát khỏi cuộc sống này, và khi lên lớp thường vào nhà vệ sinh để khóc cho thỏa lòng. Nhiều lúc cháu giơ tay phát biểu nhưng cô không bao giờ gọi, tại vì con chỉ là đứa... không đi học thêm tại nhà cô”, chị H. tâm tư.
tin liên quan
Lạm thu, dạy thêm diễn biến phức tạpTheo lời chị H., N. là học sinh có học lực khá, nhất là môn ngoại ngữ. Định hướng của gia đình chị H. là mong con phát triển kỹ năng sống, trải nghiệm những hoạt động thực tế chứ không muốn con phải căng thẳng với những giờ học thêm sau giờ học chính… Đó là lý do chị H. không đăng ký cho con đi học thêm.
“Tôi không ngờ con gái mình lâu nay đang đối mặt với điều khủng khiếp về chuyện điểm số, ranh giới cư xử của giáo viên về dạy thêm học thêm đối với học sinh. May mắn là tôi phát hiện kịp”, chị H chia sẻ.
Lắng nghe, chia sẻ để giải tỏa áp lực
Trong thời gian qua, không ít trường hợp học sinh vì áp lực học hành và xung đột các mối quan hệ bên ngoài xã hội đã tìm đến cái chết. Đây là tiếng chuông cảnh báo đối với không chỉ các bậc phụ huynh mà còn với nhà trường.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) văn lý giải: “Ở lứa tuổi thiếu niên, tâm sinh lý thay đổi nên các em có những suy nghĩ còn non nớt, cảm xúc nhiều hơn lý trí. Chỉ cần bị điểm kém, bị một câu nhiếc mắng, bị bạn bè bắt nạt, cô lập… cũng khiến các em tổn thương. Biểu hiện của trẻ bế tắc, muốn tìm đến cái chết là im lặng, thích ở một mình, thậm chí khóc hoặc có thái độ bất thường”.
tin liên quan
Học sinh tự tử vì thiếu chỗ dựa tinh thần, tâm lýTrong trường hợp của học sinh N. ở trên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng học sinh này có thể đã chịu đựng áp lực một thời gian dài mà không thể chia sẻ với ai.
“Các em có quyền không đăng ký đi học thêm. Nhưng tâm lý của các em lại luôn lo sợ nếu không đi học thêm, sẽ bị cô lập, không theo kịp bạn bè, sẽ bị cô đối xử bất công… Vì thế, chỉ cần một lời nói hoặc một hành động nào đó của thầy cô cũng khiến học sinh suy diễn, cảm thấy bị hắt hủi. Tuy nhiên, việc này, trước hết phụ huynh cần khéo léo khơi gợi để học sinh chia sẻ, từ đó nhận định xem có đúng là cô giáo đối xử bất công với con mình hay không?”
Để giúp con vượt qua “cú sốc” về tâm lý đến mức bế tắc muốn tự tử, theo tiến sĩ Nam, cha mẹ cần quan tâm tới con, giải thích cho con biết tất cả những vấn đề diễn ra trong cuộc sống, dù khó khăn thế nào, cũng không bao giờ được dùng mạng sống của mình để giải quyết.
“Trong trường hợp nhận định con mình bị đối xử bất công khi đến lớp, thì phụ huynh cần phản ánh với nhà trường, hoặc chia sẻ khéo léo với cô giáo chủ nhiệm. Quan trọng nhất là lắng nghe, chia sẻ để giải tỏa được những bế tắc trong suy nghĩ còn non nớt, bồng bột của con”, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)