Học sinh tự tử: Gia đình vững chắc, con trẻ sẽ khó gục đổ

04/01/2018 15:49 GMT+7

Xoay quanh những câu chuyện đau lòng khi học sinh tìm đến cái chết, Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) về vấn đề này.

[VIDEO] Nữ sinh lớp 7 tự tử để lại thư tuyệt mệnh

Ông cảm thấy thế nào khi đọc tin về việc học sinh tự tử?

- Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Khi biết tin một học sinh nào đó chọn cái chết để giải quyết vấn đề, tôi cảm thấy thương cho các em mà giận cho người lớn. Thương các em đã không biết cách giải quyết dù là vấn đề không quá lớn. Nhưng giận hơn cả là người ta dạy cho các em biết bao môn học, biết bao kiến thức mà sao không dạy các em cách ứng xử khi gặp thất bại, cách phản ứng khi gặp một vấn đề. Các em phải được dạy làm người, dạy cách sống trước khi trở thành một nhà khoa học. Người lớn chúng ta phải tức giận cho sự bất lực và thiếu trách nhiệm của chính mình trước cái chết của các em.
Không dừng lại ở đó, tôi luôn băn khoăn một câu hỏi trong đầu: Tại sao hầu hết sau khi các vụ tự tử xảy ra, bố mẹ đều bảo “bất ngờ”. Một lớp học 40 người mà một cậu học trò khác hẳn thường ngày là thầy cô đã có thể nhận ra, huống hồ gì trong gia đình chỉ có một vài người con, thế mà họ không “nhìn thấy” điều gì khác lạ. Rễ chắc thì cây vững, ít nhiều bộ rễ gia đình cũng lung lay nên cây mới dễ đổ mình như thế.

Dưới góc độ tâm lý, theo ông đâu là nguyên nhân khiến học sinh dễ tổn thương, thiếu sức đề kháng cũng như coi nhẹ bản thân dẫn đến những hành động bột phát như thế?


- Tại sao nhiều người trẻ dễ bị tổn thương? Ở độ tuổi trẻ trung, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh nên bạn trẻ dễ mất kiểm soát bản thân và có hành động khó ngờ. Tuổi mới lớn lại là giai đoạn khó khăn với những vấp váp đầu đời trong khi chưa có kỹ năng ứng phó.
Quyết định đi tìm cái chết của một số học sinh là cộng hưởng của 4 cái thiếu: thiếu cân bằng trong tâm lý lứa tuổi, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu chỗ dựa từ thầy cô, bố mẹ.
Nếu không biết quản lý cảm xúc, không biết tự giải tỏa và vượt qua áp lực, cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át hết cả lý trí và ý chí trong con người, làm họ yếu mềm đi và dẫn tới gục ngã. Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, các em dễ cảm thấy cùng đường và chìm vào sự căng thẳng trong khi còn rất nhiều cách để giải quyết. Nếu có cha mẹ, thầy cô làm chỗ dựa, hẳn các em đã không dễ dàng gục ngã một cách cô đơn như vậy.
Nhưng lý do quan trọng nhất đó chính là các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống. Chỉ cần một lời phê bình của thầy cô cũng đủ để một học sinh nhảy lầu tự tử, chỉ cần mất 600.000 đồng tiền quỹ lớp cũng đủ để một học sinh uống thuốc diệt cỏ quyên sinh, chỉ cần trượt kỳ thi đại học cũng đủ để một học sinh khá giỏi treo cổ tự tử, chỉ cần và chỉ cần những lý do nhỏ nhặt cũng đủ để nhiều bạn trẻ tự kết thúc mạng sống của chính mình. Trong khi những lý do nhỏ nhặt đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, các em hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu như người lớn hướng dẫn các em. Nhưng không, không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng này cả.
Một đứa trẻ khi gặp một vấn đề, chúng hay cảm thấy bế tắc do chúng chưa có kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhưng thực ra, trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Nếu một mình em không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đó cũng là một cách giải quyết. Ngay khi sự cố mất tiền quỹ xảy ra, nếu em ấy tâm sự với ba mẹ thì kết cục đã khác. Nếu em thi hỏng đại học, hãy hiểu rằng, thất bại này không có nghĩa là bạn cùng đường, mà là bạn cần phải tìm một con đường khác. Khi đó, sẽ không có nhiều vụ tự tử thương thâm.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Hãy biết rằng cuộc sống này có thoải mái hay không là do ở cách nghĩ của chính bạn mà thôi. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình.

Ông muốn nhắn nhủ gì với những người làm bố làm mẹ sau những chuyện buồn là học sinh tự tử?

- Rễ chắc thì cây sẽ vững. Gia đình mà vững chắc thì con trẻ khó mà gục đổ một cách dễ dàng. Hầu hết các trường hợp tự tử, bố mẹ đều cho biết họ “không ngờ”. Thực ra để đi đến quyết định tự tử, người ta ít nhiều cũng có những đắn đo, đấu tranh nội tâm. Nếu quan tâm đến con cái một chút, ông bố bà mẹ, những người đã nuôi con mấy chục năm trời không quá khó để nhận ra cái nét buồn trong mắt của con, cái thở dài hay cái im lặng bất thường nơi đứa con mình.

Tuổi mới lớn đã bắt đầu có khả năng tự định đoạt mạng sống của mình, nhưng các em chưa đủ chín chắn để làm chủ khả năng đó. Bố mẹ nên bên cạnh để chống đỡ cho em những bước đi đầu tiên vào đời, là nhà tư vấn cho các em, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.

Ông có cách nào để giúp học sinh vượt qua được những thời khắc bế tắc, thay vì tìm đến cái chết?

- Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Nếu một mình em không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác.

Ngoài ra, khi sự cố (mất tiền, phạm lỗi) hay thất bại (điểm kém, thi hỏng), em nên nhớ rằng: 600.000 đồng bị mất thì không quý bằng mạng sống của em, bố mẹ thương em hơn là con điểm. Trên đời này không ai là hoàn hảo cả, đó là lý do vì sao bút chì có tẩy. Trong đời ta không dễ dãi nhưng đôi lúc cũng cần biết tự bao dung với chính mình. Hãy hiểu rằng, thất bại không có nghĩa là bạn quá tồi tệ, mà là bạn chưa giỏi mà thôi. Gặp sự cố không phải là bạn sẽ cùng đường, mà là bạn cần phải tìm một con đường khác. Hãy đặt sự cố đó vào chiều dài của cả cuộc đời, em sẽ thấy nó như hòn đá nhỏ giữa đường đời mà thôi. Bước qua là hết, hoặc có vấp té thì đứng dậy còn có thể đi tiếp được rất xa, rất dài. Rồi vài năm sau nhìn lại, em thấy sự việc vừa rồi cũng chỉ là một việc cỏn con.

Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp... Những cây mạnh mẽ nhất mọc ở những mảnh đất khắc nghiệt nhất. Bởi thế nên, nếu đời mang đến cho em gió ngược, hãy cảm ơn đời vì sau sự việc này, nó sẽ khiến cho em trở thành một con người mạnh mẽ! Hãy nhớ nhé, sống thôi mà, không có gì ghê gớm lắm đâu!  

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.