Học tiếng Anh để học chứ không chỉ giao tiếp

Hà Ánh
Hà Ánh
14/12/2018 19:47 GMT+7

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: 'Chúng ta thường quan niệm học tiếng Anh để giao tiếp nhưng theo tôi học tiếng Anh là để học'.

Nội dung trên được nêu ra trong hội thảo “Xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 14.12.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong giai đoạn mới, ngoại ngữ (hay cụ thể tiếng Anh) là công cụ bắt buộc phải có và phải thuần thục.

“Chúng ta thường quan niệm học tiếng Anh để giao tiếp nhưng theo tôi học tiếng Anh là để học. Học ở đây là học về chuyên môn, văn hóa, lịch sử, con người. Vậy nên cần phải có sự thay đổi trong cách nghĩ”, ông Quân nói.

Tuy nhiên theo ông Quân, yêu cầu trên đặt ra thách thức với ĐH Quốc gia TP.HCM trong giai đoạn tới. Ông Quân nói: “Chúng ta có khoảng 60.000 sinh viên trong toàn hệ thống, với chuẩn tương đối của lớp học tiếng Anh 20 sinh viên/lớp, nếu tính theo chuẩn này thì ĐH Quốc gia TP.HCM cần có tới 3.000 lớp học trong một năm. Đây là con số không nhỏ”.

Cũng theo ông Quân, ngoài cơ sở vật chất thì còn nhiều khó khăn khác. Chúng ta thừa nhận thiếu những giảng viên có kinh nghiệm về sư phạm, giảng dạy, đổi mới… Việc đánh giá tiếng Anh cũng đang có vấn đề.

Về giải pháp, ông Quân cho rằng: “Công nghệ là một trong những giải pháp để phát huy các rào cản. Nếu dùng công nghệ sinh viên có thể học ở nhà không phải đến lớp. Khi dùng công nghệ, chúng ta có thể kế thừa các bài giảng từ nhiều nguồn khác nhau trên internet của cơ sở dạy ngoại ngữ quốc tế. Như cá nhân tôi mỗi ngày đều giữ thói quen học tiếng Anh bằng cách riêng của mình”.

Nhưng nhìn lâu dài, theo ông Quân, trong hệ thống chúng ta vẫn thiếu một “kiến trúc sư trưởng” - người thiết kế chương trình và xây dựng tài nguyên học tập, định hướng phương pháp đánh giá.

Theo ông David Persey, đến từ National Geographic Learning, mặc dù nghiên cứu cho thấy tính cách của giáo viên là yếu tố chính trong việc học tập hiệu quả nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất. Việc học còn bị ảnh hưởng bởi động lực của người học, môi trường học tập, các yếu tố có tính ảnh hưởng khác.

Từ đó, theo ông David Persey, những thay đổi trong nhận thức về vai trò của giáo viên trong thế kỷ 21 tiếp tục ủng hộ lập luận rằng chúng ta nên khuyến khích và nắm lấy việc học bên ngoài lớp học và qua đó chúng ta có thể cân bằng giữa việc dạy và học. Công nghệ đã tạo điều kiện cho xu hướng này.

Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, mục tiêu phấn đấu của ĐH này đến năm 2020, sinh viên có đủ năng lực ngoại ngữ để giao tiếp, học tập và làm việc thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ riêng việc dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đã được triển khai ở 87 ngành đào tạo (chiếm 85%) đến năm 2017. Hiện ĐH này triển khai đánh giá năng lực 4 kỹ năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.