Cụ thể, tính đến hết ngày 4.9, ngành GD-ĐT trên cả nước có tổng số 13.225 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 3.001 ca cán bộ, giảng viên, giáo viên; 10.224 ca là học sinh, sinh viên.
Tính đến hết ngày 4.9, số ca bệnh đang điều trị là 11.828 trường hợp, trong đó có tới hơn 9.000 bệnh nhân là học sinh, sinh viên, còn lại là cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GD-ĐT.
TP.HCM là địa phương có số ca bệnh nhiều nhất với 6.589 học sinh và 2.083 giáo viên (tính đến thời điểm Bộ GD-ĐT thống kê).
Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó yêu cầu các cơ sở GD-ĐT kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ. "Tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau", văn bản nêu.
Đồng thời, ký kết quy chế, chương trình phối hợp giữa cơ sở giáo dục với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có phương tiện tối thiểu đáp ứng việc học tập trực tuyến trong thời gian chưa thể tới trường vì dịch bệnh.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang đề nghị ngành GD-ĐT các địa phương tiếp tục tiến hành rà soát, thống kê số lượng học sinh gặp khó khăn về các điều kiện dạy học trực tuyến để có giải pháp phù hợp.
Các địa phương đều cam kết hỗ trợ học sinh khó khăn, "không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau", nhưng giải pháp hữu hiệu và đi vào cuộc sống ra sao thì chưa rõ.
Trên thực tế năm học mới đã bắt đầu nhưng rất nhiều học sinh ở các địa phương tâm dịch vẫn thiếu tất cả những điều kiều kiện thiết yếu để phục vụ việc học tập trực tuyến như: thiếu trang thiết bị máy móc, thiếu sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập.
Học sinh đang điều trị Covid-19 dù ở nhà hay trong khu cách ly đều không có tâm trí đâu để học tập trong khi các bạn cùng lớp đã vào học theo tiến độ chương trình.
Tại Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng GD-ĐT ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi..
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).
Bình luận (0)