Học sinh tiểu học nên học trực tuyến thế nào là phù hợp?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/09/2021 18:47 GMT+7

Ngày đầu tiên học trực tuyến với học sinh tiểu học, đặc biệt với lớp 1, mới chỉ dừng ở mức độ làm quen. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp để có thể "sống chung" với hình thức này.

Lớp 1 cần thời gian làm quen  

Ngày đầu tiên học trực tuyến sau khai giảng năm học mới, ghi nhận cho thấy, mỗi nhà trường đang áp dụng một chương trình, thời khoá biểu khác nhau.
Với học sinh lớp 1 ở Hà Nội, từ hôm nay đến hết ngày 12.9, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các trường mới bắt đầu tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm lớp trao đổi và thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần), hướng dẫn cho học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến…
Hầu hết các trường công lập đang dành 2 tuần cho học sinh lớp 1 làm quen với việc học mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức trong bối cảnh dịch bệnh và chỉ áp dụng không quá 2 tiếng trong một ngày.
Tuy nhiên, các trường tư thục vốn đã tựu trường từ tháng 8 vẫn đang duy trì lịch học tới 6 - 7 tiết/ngày theo tiến độ chương trình như học trực tiếp.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Thủ Lệ (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho rằng nếu bắt đầu học luôn kiến thức sau ngày khai giảng thì không phù hợp. Với học sinh lớp 1, cần có độ lùi 2 tuần để các con làm quen với trường, với lớp ,với bạn bè, thày cô. Các con lớp 2, 3, 4 cũng thế, cần lùi 1 tuần để ôn lại kiến thức, làm quen lại bạn bè trước khi bắt đầu bài học mới.
“Ngoài ra, với các lớp có sĩ số đông, cần chia nhỏ lớp học để các con có thể được tiếp xúc nhiều nhất, giáo viên quan tâm nhiều nhất đến các con. Sau khi quen dần chúng tôi sẽ gộp nhóm, gộp lớp để học cho hiệu quả nhất”, bà Ngọc Anh chia sẻ cách làm.
Các giáo viên trong tổ chuyên môn lớp 1 của Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Ba Đình, Hà Nội), cũng cho rằng trong vòng 2 tuần đầu, giáo viên cần phối hợp với phụ huynh tập trung chuẩn bị tâm thế cho học sinh.
Cụ thể, hàng ngày trẻ phải thức dậy đúng giờ; ngồi học chỗ yên tĩnh; tự chuẩn bị trang phục, sách vở và đồ dùng học tập; ngồi ngay ngắn và tập trung chú ý vào bài học suốt cả tiết học.
Sau đó, chuẩn bị các kiến thức nền tảng cơ bản làm tiền đề cho việc tiếp thu kiến thức từ các môn học trong chương trình lớp 1. Mặc dù, những kiến thức nền tảng này không nhiều, chỉ đơn giản là việc nhận diện được các chữ cái, viết được các nét cơ bản, đếm và nhận diện số, các hình hình học…
Trẻ được làm quen với các thiết bị công nghệ và bước đầu có được một số kỹ năng cơ bản để thao tác với các thiết bị đó như: bật tắt mic đúng yêu cầu; luôn bật camera, giơ tay trước khi phát biểu, tham gia vào nhóm thảo luận...

Cha mẹ tạo niềm vui cho con khi phải học từ xa cũng là điều rất cần thiết

ẢNH PHAN HẬU

“Cầm chắc thất bại” nếu bê nguyên kế hoạch dạy trực tiếp sang trực tuyến

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu quan điểm dịch bệnh phức tạp, khó lường nên Hà Nội áp dụng hình thức dạy học trực tuyến để học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên, với lớp 1, lớp 2 cần rất thận trọng và hướng dẫn tỉ mỉ hơn. Văn bản của Sở GD-ĐT đã nêu rõ: "Từ 13 - 30.9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày theo hình thức trực tuyến với giáo viên".
Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu: "Các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2; sắp xếp thời khóa biểu khoa học, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn toán; lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với hình thức dạy trực tuyến".
TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng dịch bệnh khó lường nên các trường cần có kịch bản dài hơi cho năm học và tính đến nhiều phương án, trong đó có học trực tuyến, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiết tới từng môn và bài học. Những bài học theo hình thức trực tuyến cần phải được cấu trúc hợp lý, giáo viên có thể lựa chọn được những nội dung kiến thức trong tâm, phù hợp cho hình thức dạy học trực tuyến; đồng thời cần phải trực quan, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.
Ngoài ra, kế hoạch học tập trực tuyến cũng cần được sắp xếp phù hợp hơn, chỉ nên dạy 1 buổi trong ngày, 1 ngày không quá 2 giờ học trực tuyến để hạn chế việc trẻ tiếp xúc quá lâu với máy tính.
“Việc bê nguyên ý tưởng, kịch bản dạy học trực tiếp sang trực tuyến là một điều tối kỵ. Nếu làm như thế, thầy cô đã nắm chắc trong tay thất bại”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Tiệp, khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên cần lượng hóa nội dung trọng tâm của bài học. Nội dung trọng tâm này có thể chỉ chuyển tải tới học sinh trong vòng 10 – 15 phút ở thời điểm sự tập trung chú ý của trẻ ở mức cao nhất trong tiết học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.