Mong Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn giảm tải chương trình dạy học trực tuyến

06/09/2021 15:15 GMT+7

Nhiều địa phương đã tổ chức lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022, trong bối cảnh 'lịch sử dịch bệnh' chưa từng có. Từ hôm nay, phần lớn học sinh sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, không ít thầy cô băn khoăn dạy học trực tuyến sao cho có hiệu quả, thiết thực, phát huy năng lực phẩm chất học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng không thể so sánh với học trực tiếp

Phải thừa nhận hiệu quả chất lượng của dạy học trực tuyến không thể so với dạy trực tiếp, vì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh có hạn chế nhất định. Việc thực hiện các phương pháp trong dạy học như: thảo luận nhóm, vấn đáp, thuyết trình, sắm vai, thí nghiệm, thực hành…không thể thực hiện được khi dạy trực tuyến. Như vậy chất lượng tiết dạy sẽ không như mong muốn.
Đặc biệt đối với lớp 1 và cấp tiểu học, nhận thức của các em còn rất non nớt về ý thức tự giác, tự học khi học trực tuyến thì làm sao việc học có hiệu quả được.

Tạm thời không dạy những môn học được đánh giá bằng nhận xét

Với những khó khăn nói trên, Bộ GD- ĐT cần có sự điều chỉnh giảm tải chương trình, khung thời gian năm học để phù hợp với việc dạy học trực tuyến, với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Về khung thời gian năm học, Bộ GD-ĐT nên hướng dẫn cho phép có độ trễ tối đa là 2 tháng. Độ trễ chương trình hiện nay theo khung thời gian năm học 2021-2022, Bộ cho phép là 15 ngày cộng với thời gian thực học là 35/37 tuần còn hai tuần dự trữ (như vậy là một tháng). Nếu vậy năm học kết thúc vào 31.7, học sinh còn một tháng nghỉ hè là chấp nhận được và cũng không ảnh hướng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021-2022.
Về số môn học dạy trực tuyến, tạm thời không dạy những môn học được đánh giá bằng nhận xét như: giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm…giúp giảm tải số môn học. Sau khi hết dịch bệnh, học sinh sẽ học trực tiếp lại các môn này cũng không muộn vì số tiết các môn học này cũng ít tiết (35 tiết/môn/năm).
Đối với những môn còn lại như: toán, ngữ văn, tiếng Anh,…chỉ cần dạy kiến thức mới, trọng tâm cơ bản, cần đạt, khi đến trường trở lại thầy cô sẽ củng cố, luyện tập, mở rộng, vận dụng, nâng cao kiến thức cho các ẹm là phù hợp.

Bộ GD-ĐT cần  sớm ban hành “cẩm nang” hướng dẫn nội dung dạy từng bài, từng môn để áp dụng cho việc dạy trực tuyến

Đào Ngọc Thạch

Về phương pháp giảng dạy, dạy trực tuyến khác với dạy trực tiếp, học sinh không thể ngồi trước máy học 4-5 tiết được, ảnh hưởng đến thị lực, áp lực, sức khỏe. Do vậy nên thiết kế mỗi tiết học là 30 phút và mỗi buổi học 3 tiết là vừa sức với học sinh; cũng không học hai buổi trên ngày và chỉ học 5 buổi/ tuần mà thôi. Muốn vậy thầy cô chỉ dạy những kiến thức trọng tâm cơ bản nhất, yêu cầu đạt.
Để tránh mỗi thầy cô thực hiện việc “cắt gọt” nội dung bài dạy mỗi cách khác nhau, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT sớm ban hành “cẩm nang” hướng dẫn nội dung dạy từng bài, từng môn để áp dụng cho việc dạy trực tuyến. Đồng thời thầy cô phải có nhiều hình thức chuyển tải nội dung đến các em bằng video, trực quan sinh động hấp dẫn để tránh sự nhàm chán cho học sinh.
Về kiểm tra đánh giá, chỉ nên tiến hành đánh giá thường xuyên thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Việc kiểm tra định kỳ nên thực hiện tại lớp học để đảm bảo chất lượng, khách quan, công bằng hơn.
Rất mong Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn giảm tải chương trình dạy học trực tuyến để thuận lợi cho thầy cô giảng dạy. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.