[NGÀY KHAI TRƯỜNG]: Khó khăn bủa vây khi học trực tuyến

05/09/2021 08:00 GMT+7

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu năm học mới, học sinh các tỉnh miền Tây, trước tiên là lớp 9 và 12, phải học trực tuyến với rất nhiều khó khăn.

Theo Sở GD-ĐT Đồng Tháp, năm học mới của chính thức bắt đầu vào ngày 20.9. Riêng học sinh lớp 9 và lớp 12 học trực tuyến từ ngày 6.9 để đáp ứng đầy đủ kiến thức cho các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia.

Giáo viên lo lắng

Việc triển khai học trực tuyến tại nhiều điểm trường vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Trường THCS Thường Phước 1 (H.Hồng Ngự) có 7 lớp 9 với hơn 500 học sinh. Để dạy trực tuyến, các giáo viên được tập huấn và trang bị máy tính. Tuy nhiên, đặc thù học sinh vùng sâu, điều kiện khó khăn nên nhiều em thiếu máy vi tính và điện thoại thông minh để học khiến cho việc dạy học khá trở ngại.

Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Kiên Giang tổ chức dạy và học trực tuyến từ ngày 6.9 đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.

ẢNH: XUÂN LAM

Một giáo viên Trường THCS Thường Phước 1 nói: ‘Dạy học trực tuyến thì các giáo viên trẻ thao tác trên máy tính tốt nhưng nhiều giáo viên lớn tuổi thao tác chậm chạp lắm lắm. Đặc biệt, chất lượng đường truyền internet ở huyện chưa tốt nên sẽ ảnh hưởng chất lượng bài giảng’.
Ông Võ Hồng Phú, Trưởng phòng GD-ĐT Hiên Hải (Kiên Giang), cho biết huyện đang khảo sát, thống kê những em học sinh không có điều kiện học qua môi trường mạng để có phương án dạy học phù hợp. Kiên Hải hiện còn hơn 100 giáo viên đang mắc kẹt trong đất liền, chưa có phương tiện ra đảo do giãn cách xã hội. Riêng sách giáo khoa (SGK), nhờ chủ động nên huyện đã nhận đủ cho học sinh.
Nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp và phải tổ chức học qua môi trường mạng, ông Phú lo lắng 3 vấn đề cho huyện đảo này. Một là, chưa có điện lưới quốc gia nên nguồn điện chập chờn chưa đảm bảo; đường truyền internet, nhất là ở 2 xã An Sơn và Nam Du rất khó khăn vì hiện nay đang sử dụng sóng viba chứ không phải cáp quang, do đó đường truyền rất yếu, có khi vào tải 1 văn bản cũng khó huống chi học trực tuyến. Hai là, đời sống của người dân trên đảo còn khó khăn thiếu thốn nên sẽ khó trang bị các thiết bị cho các em học trực tuyến. Ba là trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin của bộ phận giáo viên còn hạn chế.

Khó khăn bủa vây phụ huynh

Đối với phụ huynh vùng sâu, vùng xa, để trang bị điện thoại thông minh cho con học trực tuyến là vấn đề rất khó khăn.
Gia cảnh khó khăn, nhà không kết nối internet, chị Danh Thị Mỹ Duyên (ngụ xã Trí Lực, H.Thới Bình, Cà Mau) phải cho 2 con gái lớp 9 và lớp 7 sang nhà ông bà nội học trực tuyến. Nhà chạy ăn từng ngày nên chị không thể mua điện thoại thông minh cho con học trong mùa dịch. "Hai chị em nó cùng học và làm bài trên cùng 1 điện thoại cũng gây ra sự bất tiện, không chủ động được thời gian học và làm bài hay cùng trao đổi bài với nhóm học của lớp được kịp lúc. Nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên không còn cách nào khác", chị Duyên chia sẻ.
Anh Bùi Văn Diễn (40 tuổi, ngụ H. Cái Nước, Cà Mau) cho biết kinh tế gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào nghề làm phụ hồ. “Tôi làm thợ hồ ngày được 250.000 đồng, nhưng do đặc thù công việc nên không được ổn định. Lo cho các con đến trường trong kiện bình thường đã khó, giờ học trực tuyến thì khó càng thêm khó do phải tốn thêm khoản tiền lớn để mua điện thoại và trang bị mạng internet”, anh Diễn nói.
Trong khi đó, gia đình em Trần Phú Sỉ, học sinh lớp 9 Trường THCS An Hiệp (H.Châu Thành, Đồng Tháp) sống trong khu vực phong tỏa từ đầu tháng 7 đến nay nên việc chuẩn bị sách vở và điều kiện học trực tuyến vô cùng khó khăn. Anh Trần Phú Hòa, ba của Sỉ, cho biết: "Gia đình đang trong khu phong tỏa nên tôi không thể ra ngoài mua sách vở và máy vi tính cho con. Không biết học bằng điện thoại có được không nên tôi rất lo".
Theo anh Hòa, không chỉ riêng Phú Sỉ, hàng chục học sinh khác chung lớp với con anh cũng trong tâm trạng như vậy. Nhiều phụ huynh mấy ngày nay liên hệ nhờ shipper liên hệ mua sách vở, đồ dùng học tập nhưng vẫn chưa được.

Sách giáo khoa nhiều lớp chưa có

Phụ huynh, học sinh tỉnh Bạc Liêu lo lắng vì ngày nhập học cận kề nhưng SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 mới vẫn chưa có.
Ngày 4.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Dương Hồng Tân, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, cho biết các bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 mới do tỉnh lựa chọn, quyết định đặt mua. Mặc dù địa phương đã chủ động đặt mua của nhà xuất bản ở TP.Cần Thơ, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các tỉnh, thành thực hiện nghiêm ngặt giãn cách sản hội nên nhà xuất bản không kịp bàn giao các bộ sách trên cho Bạc Liêu.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Tân, lãnh đạo UBND tỉnh đã có công văn gửi các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP.Cần Thơ đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để cho phương tiện vận chuyển SGK từ TP.Cần Thơ về Bạc Liêu. Tuy nhiên, đối với bộ sách lớp 6 thì không về kịp, bởi ngày 6.9 thì khối lớp 6 ở Bạc Liêu ước vào năm học mới.
Đối với cấp tiểu học, tỉnh Bạc Liêu cho học sinh nghỉ học đến ngày 17.9, sau đó xem xét tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế thì tỉnh mới quyết định thời gian, giải pháp học cụ thể. Ông Tân hy vọng bộ sách lớp 1 và lớp 2 sẽ vận chuyển về kịp phục vụ cho học sinh.

Tháo gỡ khó khăn cho học sinh

Ngày 4.9, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc GD-ĐT Cà Mau, cho biết để tổ chức dạy và học trực tuyến, sở đã tiến hành khảo sát. Qua đó, toàn tỉnh có hơn 10.000 gia đình khó khăn cần hỗ trợ, trong đó có 500 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sở đã đứng ra vận động được 500 điện thoại thông minh để hỗ trợ cho 500 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này. Số điện thoại này có kết nối sẵn internet nên các em nhận về là học trực tuyến được ngay và tiền internet cũng được nhà mạng hỗ trợ hết học kỳ.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Đỗ Công Tường, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp sẽ học trực tuyết từ ngày 6.9.

ẢNH: TRẦN NGỌC

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GĐ-ĐT Kiên Giang, cho biết nếu triển khai dạy và học trên môi trường internet, với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục của Kiên Giang, ông rất lo lắng vì chắc chắn chất lượng học trên môi trường intertnet sẽ không bằng học trực tiếp. Vì vậy, sở xây dựng kịch bản làm sao tăng cường các hình thức dạy, tăng cường kiểm tra giám sát, tăng cường các hình thức bồi dưỡng làm sao để học sinh hiểu bài qua môi trường interrnet; sáng tạo ra những hình thức học, tìm ra những giải pháp thích hợp nhất trong học tập làm sao để giữ vững được chất lượng giáo dục.
Trong thời gian học trực tuyến, Sở GD-ĐT Kiên Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh chọn những bài mang tính chất tham khảo để giới thiệu trước cho các em, dạy những bài cơ bản nhất, nội dung cốt lõi nhất. Những em nào chưa hiểu bài, chưa theo kịp bài học, khi trở lại trường thì các trường phân công giáo viên dạy bù, củng cố lại kiến thức cho các em, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi dạy phụ đạo cho các em.
"Đối với những em khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến, nếu ở thị trấn thì sẽ photo bài gửi đến cho các em. Những em học sinh ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo không có phương tiện thì sở sẽ làm việc với UBND cấp huyện để thành lập tổ giáo dục gồm có giáo viên và cán bộ xã, phường thị trấn cho đến khu phố, ấp để gửi bài học, bài tập đến cho các em trong năm học mới này", ông Bảo nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.