[NGÀY KHAI TRƯỜNG]: Lịch học trực tuyến năm học mới của học sinh ra sao?

Bích Thanh
Bích Thanh
05/09/2021 09:00 GMT+7

Không đến trường, học sinh sẽ bước vào chương trình năm học mới với lịch học trực tuyến như thế nào đang được phụ huynh, học sinh quan tâm.

Học từ thứ 2 đến thứ 6

Ngày 6.9, khoảng 700.000 học sinh THCS, THPT sẽ bắt đầu vào học chương trình học kỳ 1 bằng hình thức học trực tuyến. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, giáo viên chủ nhiệm các lớp từ 6 đến lớp 12 đã thông báo lịch học trực tuyến cụ thể cho từng học sinh trong buổi sinh hoạt đầu năm.

Theo đó, lịch học trực tuyến của học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) được sắp xếp buổi sáng dành cho học sinh khối 6 và khối 9. Học sinh sẽ học từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày 4 tiết, tiết 1 bắt đầu vào 7 giờ 30, tiết 4 kết thúc vào lúc 10 giờ 55. Thời gian còn lại học sinh dành cho việc tự học, hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao.

Học sinh khối 7, khối 8 sẽ học trực tuyến vào buổi chiều, tiết 1 bắt đầu vào lúc 13 giờ 30 và tiết 4 kết thúc vào lúc 16 giờ 55. Buổi sáng hàng ngày, học sinh sẽ dành cho việc hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đã giao trong ngày học trước.

Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) cho biết nhà trường sử dụng hệ thống học tập K12online.vn. Giáo viên chủ nhiệm cung cấp tài khoản cho học sinh, phụ huynh và lưu ý tính bảo mật. Ngoài thời gian học trực tuyến nghiêm túc thì trong quá trình tự học, học sinh phải hoàn thành các nội dung theo quy định để ghi nhận quá trình hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được giao. Trong các tiết học trực tuyến với giáo viên, nhà trường khuyến khích học sinh trao đổi để nắm vững yêu cầu cần đạt trong mỗi chủ đề.

Còn khoảng 1.000 học sinh Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) cũng đã thực hiện tiết sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài hướng dẫn nội quy học trực tuyến như tác phong nghiêm túc, chủ động, sẵn sàng cho từng tiết học thì học sinh tham gia các tiết học sáng từ 7 giờ 10 đến 10 giờ 50 và học buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 5 phút. Cứ sau mỗi 2 tiết học sinh sẽ nghỉ giải lao 20 phút.

Hay Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) thì kéo giãn thời gian học trực tuyến để học sinh nghỉ ngơi và xen kẽ vào đó là những tiết học sinh có thể theo dõi các bài giảng theo giáo án điện tử như thể dục, giáo dục quốc phòng… Theo đó, học sinh lớp 12, mỗi tuần học 4 tiết toán, 4 tiết ngữ văn, 2 tiết hóa, 2 tiết lịch sử…

Riêng hệ GDTX, ông Đỗ Mình Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu văn An (Q.5) cho biết mỗi tuần học sinh học 2 tiết toán, 2 tiết ngữ văn, những môn còn lại học 1 tiết. Ngoài ra nhà trường tăng cường thời gian tự học. Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu sao cho giáo viên bộ môn giao học sinh nhiệm vụ tự tìm hiểu kiến thức, tự nghiên cứu bài học… chiếm 50% thời lượng. Cũng theo ông Hoàng, “tùy theo đăng ký lựa chọn của học sinh thì hàng tuần, các em sẽ học 3 tiết các môn thuộc chương trình trung cấp nghề theo hình thức trực tuyến”.

Giáo viên thiết kế bài giảng chắt lọc kiến thức

Lệ Trương

Kiến thức chắt lọc, tạo động lực học tập

Để giúp học sinh sớm bắt nhịp với việc học đầu năm, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) cho biết trong những buổi họp chuyên môn đầu năm, Ban Giám hiệu thường xuyên lưu ý giáo viên trong các tiết dạy, không nhất thiết tiết nào cũng phải trực tuyến mà có thể giao nhiệm vụ cho học sinh, tránh tạo áp lực không đáng có. Đặc biệt trong 2 tuần tiên của chương trình, giáo viên không đặt nặng vào công nghệ và lượng kiến thức.

“Các bài giảng phải chắt lọc kiến thức và cô đọng hết mức có thể, chủ yếu tập cho học sinh thói quen ngồi vào bàn học và học theo hướng dẫn của giáo viên. Không lạm dụng công nghệ, yêu cầu học sinh cài quá nhiều phần mềm. Cứ từ từ, thám từng chút, đi từ dễ và đơn giàn hết mức có thể”, bà Thanh Trúc nói.

Về góc độ chuyên môn, lãnh đạo phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT nói rằng, các trường chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, tự học để bố trí thời khóa biểu trực tuyến giúp giáo viên và học sinh tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi học tập phù hợp đặc điểm bộ môn.

Điều quan trọng là phải tạo động lực, thúc đẩy và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động học tập trực tuyến và hoạt động tự học. Giáo viên có thể quan sát và nhắc nhở, động viên qua email hoặc các phương thức giao tiếp phù hợp. Một kỹ thuật để tạo hứng thú và động lực học tập cho học sinh là nên chia một nhiệm vụ thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và đưa ra phản hồi về một số hoặc tất cả các nhiệm vụ này.

Với những học sinh thiếu động lực và sự tham gia vào lịch học trực tuyến, giáo viên cần có các phương án thu hút bằng việc tích cực giao tiếp và tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ các em nhiều hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.