Không dễ có nữ giáo sư

12/11/2015 08:10 GMT+7

Từ năm 1976 đến nay VN mới có thêm nữ giáo sư toán học thứ hai. Tuy nhiên, không chỉ ngành toán, mà hầu hết các ngành khoa học của VN đều hiếm nữ giáo sư.

Từ năm 1976 đến nay VN mới có thêm nữ giáo sư toán học thứ hai. Tuy nhiên, không chỉ ngành toán, mà hầu hết các ngành khoa học của VN đều hiếm nữ giáo sư.

GS-TS Lê Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Trần Nguyên
GS-TS Lê Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Trần Nguyên
Càng lên cao càng... rụng dần

Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho 28 ngành, liên ngành,
nhưng mỗi năm chỉ thêm khoảng 5 nữ GS trở lại. Vì thế có rất nhiều ngành nhiều năm liền không có thêm nữ GS nào

GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước

Theo GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước, không chỉ trong ngành toán mà hầu hết các ngành đều hiếm nữ GS. Chẳng hạn trong số 52 nhà giáo được công nhận GS năm nay chỉ có 5 người là phụ nữ - chiếm tỷ lệ chưa đến 10%. “Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho 28 ngành, liên ngành, nhưng mỗi năm chỉ thêm khoảng 5 nữ GS trở lại. Vì thế có rất nhiều ngành nhiều năm liền không có thêm nữ GS nào”, GS Nhung nói.
Theo thống kê của Thanh Niên, hơn 40 năm qua trong tổng số hơn 1.600 nhà giáo - nhà khoa học được phong GS thì phụ nữ chỉ khoảng 6% (xấp xỉ 100 người). Trong danh sách 29 nhà khoa học được Chính phủ phong GS năm 1976, không có một nhà khoa học nữ nào. Từ năm 1980, việc phong hàm GS, PGS trở thành một hoạt động thường xuyên, có 83 GS được phong thì chỉ duy nhất GS Hoàng Xuân Sính (toán) là nữ. Về sau, nữ cũng chỉ xuất hiện lác đác trong các danh sách phong GS nhưng phân bố không đều, chủ yếu là ở các ngành y, dược, hóa, công nghệ thực phẩm, kinh tế…
Khi được hỏi thì nhiều nhà khoa học nữ né tránh việc lý giải hiện tượng này, còn các nhà khoa học nam đều bày tỏ thái độ thông cảm. GS Trần Văn Nhung cho biết, trong nghiên cứu khoa học, càng lên cao phụ nữ càng giảm dần. Tỷ lệ nữ trong các lớp thạc sĩ có thể ngang ngửa với nam giới, lên đến tiến sĩ giảm đi chút ít. Nhưng đến PGS là hiếm, GS thì thực sự hiếm. “Công việc nghiên cứu khoa học, nhất là với các ngành trừu tượng, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trong khi đó, phụ nữ với thiên chức làm mẹ lại quá nhiều việc phải bận tâm. Với một phụ nữ có 2 đứa con thì họ sẽ mất 10 năm trời không toàn tâm toàn trí cho khoa học được”, GS-TSKH Trần Văn Nhung giải thích.
Vấn đề của VN ?
Nhưng GS Nguyễn Tự Cường (Viện Toán học VN) cho rằng hiếm nữ GS toán đến mức suốt hơn 40 năm chỉ có 2 người có thể chỉ là vấn đề của riêng VN. Trong các hội nghị quốc tế mà ông tham dự trong nhiều năm gần đây, lúc nào cũng có ít nhất 1/3 số người tham gia là nữ. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể bắt nguồn từ các yếu tố văn hóa xã hội, nhưng cũng có phần nằm ngay trong quy chế phong GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước.
“Một trong những tiêu chuẩn để được công nhận GS là phải hướng dẫn thành công 2 nghiên cứu sinh. Với ngành toán, đây là một tiêu chuẩn rất khó đạt bởi người đi học tiến sĩ toán trong nước đã ít, mà khi học họ lại thích chọn các GS có tiếng (mà GS có tiếng lại là nam giới). Vì vậy rất khó để các nữ PGS toán hiện nay tìm đủ 2 nghiên cứu sinh cho mình để đủ tiêu chuẩn phong GS”, GS Cường nói.
Trong hoàn cảnh như thế mới hiểu tại sao GS-TS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học VN hồ hởi khi hiện đang có 2 nữ PGS toán học. GS Hoa cho biết: “Ngay tại viện chúng tôi hiện có 2 PGS nữ nhiều tiềm năng trở thành GS trong tương lai khi mà tuổi đời còn khá trẻ, chất lượng bài báo công bố quốc tế cao như PGS Tạ Thị Hoài An, Phan Thị Hà Dương”.
Người đàn ông đứng sau nữ GS toán học thứ hai của VN
Cách đây 10 năm TS Lê Thị Thanh Nhàn là người trẻ nhất được phong PGS năm đó. Khi nhắc về chị, rất nhiều nhà khoa học trong cộng đồng toán VN tỏ thái độ nể trọng, không chỉ vì năng lực nghiên cứu toán học mà còn bởi những đóng góp có tính chất quyết định của chị trong việc tạo dựng môi trường làm toán chuyên nghiệp ở một trường ĐH đóng trên địa bàn miền núi (Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên). Tuy nhiên, những người quen thân với TS Lê Thị Thanh Nhàn đều cho rằng, để đạt được đỉnh cao nghề nghiệp như ngày hôm nay, đằng sau nữ GS toán học thứ hai ở VN có công rất lớn của ông xã chị, PGS-TS ngôn ngữ học Cao Duy Trinh (ĐH Thái Nguyên).
Bà Đinh Thu Cúc, phu nhân GS Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN) là người từng cho chị Nhàn ở nhờ nhà nhiều năm, thời chị xuống Hà Nội làm nghiên cứu sinh nhận xét: “Tôi nghĩ Hội Liên hiệp phụ nữ VN nên tặng anh Cao Duy Trinh huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Tôi nhớ trong buổi liên hoan hôm Nhàn bảo vệ luận án TS cách đây mười mấy năm, Trinh nói, “em phải làm sao cho xứng đáng với Nhàn”. Và anh ấy đã chăm sóc hai đứa con nhỏ, lo việc nhà để Nhàn yên tâm làm PGS, rồi sau đó là GS. Anh ấy là người đàn ông biết “đẩy” vợ đi trước mình. Thật đáng nể!”.
GS Nguyễn Tự Cường (Viện Toán học VN), thầy giáo hướng dẫn chị Nhàn làm nghiên cứu sinh cũng cho rằng nói đến thành công trong sự nghiệp khoa học của chị thì không thể không kể đến anh Trinh chồng chị. Khi chị Nhàn đến xin được hướng dẫn làm nghiên cứu sinh, GS Cường đã ngần ngại, rồi hẹn gặp riêng... anh Trinh. “Tôi hỏi Trinh có chịu được khi có thể thường xuyên phải ăn cơm khê, sống hay thỉnh thoảng thấy vợ mình thẫn thờ như đang sống trong một thế giới khác hay không? Và thật bất ngờ Trinh đã trả lời tôi, em yêu Nhàn và Nhàn yêu toán, vậy em chấp nhận và làm tất cả để Nhàn được học toán”, GS Cường kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.