Kỹ năng làm bài thi 3 môn bắt buộc

Bích Thanh
Bích Thanh
05/06/2018 09:04 GMT+7

Bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức thì kỹ năng làm bài cũng là yếu tố quyết định kết quả bài thi của thí sinh vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm môn toán
Theo giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), đề thi được cho dưới hình thức trắc nghiệm, mỗi câu có 4 phương án trả lời, trong đó chỉ một phương án đúng nên thí sinh cần biết dự đoán và loại suy. Không nên quan tâm quá nhiều vào bước giải của một bài toán, chỉ cần suy luận nhanh để cho ra kết quả đúng. Không lạm dụng nhưng cũng nên thuộc một số ít các công thức tính nhanh.
Trong thời gian làm bài thi, thí sinh lưu ý không nên có thói quen dùng máy tính để thử từng phương án nhằm chọn ra phương án đúng cho mỗi câu hỏi. Bởi vì trong đề thi sẽ không có nhiều câu hỏi có thể dùng máy tính để giải, hơn nữa nếu giải bằng cách này sẽ chậm hơn rất nhiều so với cách giải bình thường. Chẳng hạn những bài toán giải phương trình, bất phương trình. Tuy vậy, cũng cần biết máy tính có thể giúp làm được điều gì khi chúng ta không tìm được cách giải hoặc khi quên công thức.
Với đề thi trắc nghiệm, điều quan trọng là phải biết đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi.

Và thầy Toàn cũng đưa ra “kỹ thuật” làm trắc nghiệm là nên làm bài thành nhiều lượt. Lượt một làm thật nhanh các câu hỏi dễ. Lượt hai nên làm những câu cần sự tính toán và suy luận. Lượt ba dành cho những câu vẽ hình. Lượt bốn, năm… dành cho những câu còn lại.
Chinh phục môn văn bằng “siêu” bí kíp
Giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đưa ra chiến thuật “chém gió” câu nghị luận xã hội 200 chữ qua 4 bước. Trước hết phải xác định chính xác vấn đề cần nghị luận, sau đó xây dựng khung đoạn văn với 5 luận điểm bao gồm giải thích; phân tích; chứng minh; bàn luận; bài học nhận thức và hành động cụ thể, chân thành rõ ràng mạch lạc. Thuyết phục người đọc bằng cách tìm dẫn chứng hợp lý, thú vị, sâu sắc. Bắt tay viết một đoạn với lời văn hàm súc khoảng 20 - 25 dòng với cấu trúc diễn dịch hoặc quy nạp có thể hiện quan điểm bản thân một cách rõ ràng.
Cũng theo giáo viên Đức Anh, thí sinh hãy viết văn bằng cả tâm hồn chứ đừng sáo rỗng hay dùng câu từ quá hoa mỹ, trước khi viết nên có dàn ý chính để tránh sa đà, lạc đề. Viết văn cần đủ ý hơn là sự lê thê của câu chữ bởi câu văn súc tích, ngắn gọn sẽ chiếm được cảm tình của giám khảo. Ngược lại, viết lặp đi lặp lại các ý, câu văn dài lê thê sẽ khiến giám khảo khó chịu. Tránh viết câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ và các lỗi lặp từ hay quen tay viết tắt, viết như văn nói. Đồng thời kiểm soát lỗi chính tả và những lỗi câu chữ lủng củng, nếu gộp lại, thí sinh rất dễ bị mất điểm.
Nên chia thời gian làm bài hợp lý, chủ động canh giờ làm bài: 20 phút làm đọc hiểu, 25 phút làm nghị luận xã hội, 75 phút viết nghị luận văn học.
Lưu ý từng phần trong đề thi tiếng Anh

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo Phương, giáo viên Trường quốc tế Á Châu (TP.HCM), lưu ý phần kỹ năng đọc chiếm phần lớn số điểm, đề tài trong các bài đọc thường liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học... Trong quá trình làm bài, để tiết kiệm thời gian, thí sinh nên đọc câu hỏi trước để nắm thông tin phần đọc hiểu. Tìm từ khóa trong câu hỏi, xác định xem yêu cầu câu hỏi là gì để trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Nếu là câu hỏi tìm thông tin chung, nên chú ý đọc những câu đầu tiên, hoặc câu cuối cùng của mỗi đoạn văn và liên kết ý lại với nhau. Nếu là câu hỏi tìm thông tin chi tiết, nên đọc lướt toàn bộ bài đọc, dừng lại ở phần thông tin liên quan đến câu hỏi, đọc kỹ phần nội dung gần đó sẽ giúp tìm ra đáp án. Sau khi trả lời xong các câu hỏi, nên đọc lướt bài đọc và kiểm tra lại đáp án. Nên áp dụng phương pháp đoán từ qua ngữ cảnh. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Chú ý những câu hỏi có các từ mang nghĩa phủ định, cần đọc kỹ để tránh việc hiểu sai nội dung câu hỏi.
Phần gạch chân trong phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thường là những từ mới hoặc từ khó, do vậy giáo viên Thảo Phương hướng dẫn: “Cần đọc yêu cầu đề bài là chọn đồng nghĩa hay trái nghĩa để tránh chọn sai yêu cầu đề bài. Đặt chúng trong một ngữ cảnh cụ thể, có thể đoán nghĩa dựa vào những thông tin bên cạnh. Chú ý rằng phần này đòi hỏi kiến thức từ vựng rộng đi kèm với kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong câu, do đó hãy luôn áp dụng kỹ năng suy luận và loại trừ”.
Ở phần viết lại câu, thường tập trung vào các chủ đề của câu điều kiện, câu bị động, đảo ngữ, quan hệ đại từ, rút gọn mệnh đề quan hệ, câu trực tiếp, gián tiếp, hoặc các cấu trúc phổ biến… Thí sinh cần nắm chắc những cấu trúc này và những trường hợp đặc biệt, bên cạnh đó, cần lưu ý sự hài hòa giữa chủ ngữ và động từ, cách dùng thì khi viết lại câu. Đọc lại cẩn thận để tránh sai sót.
Trong quá trình làm bài, không nên bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào trong bài thi, không nên bỏ qua yếu tố may mắn. Việc loại trừ đáp án và dùng trực giác để chọn một phương án đôi khi có thể giúp thí sinh có thêm điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.