‘Làm giáo viên có nghèo?’

Hà Ánh
Hà Ánh
24/04/2021 16:32 GMT+7

Đó là một trong những câu hỏi trong chương trình tư vấn Hành trang tương lai do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Bình Dương chiều nay (24.4).

Chương trình được trực tuyến tại các địa chỉ: các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
“Em muốn làm giáo viên môn địa lý nhưng một số người lớn cho ý kiến tham khảo rằng làm giáo viên nghèo lắm. Em rất phân vân và muốn thay đổi định kiến trong đầu mọi người là làm giáo viên cũng đâu nghèo lắm?”.

Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình

Phạm Hữu

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ý kiến: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Có người từng nói, cái giàu lớn nhất của nghề giáo là giàu tâm hồn. Khi chúng ta tiếp xúc với người trẻ, chúng ta luôn hạnh phúc và yêu đời - giá trị rất lớn trong đời sống con người. Khái niệm giàu hay nghèo đừng định nghĩa bằng tiền mà cuộc sống còn nhiều thứ khác. Thực tế, giáo viên hiện nay đủ sống không đến mức nghèo.
“Ngành sư phạm địa lý, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia vào đội ngũ giáo viên mới dạy sư phạm lịch sử-địa lý ở bậc tiểu học và THCS”, ông Quốc thông tin thêm.

Học lực trung bình khá nên chọn trường ĐH ra sao?

Sức học trung bình học khá thì nên chọn trường ĐH ra sao là một trăn trở của học sinh được đặt ra trong chương trình. Theo thạc sĩ Lương Thị Thu Thủy, Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), cho rằng học sinh không nên quá tự ti với học lực trung bình khá của mình. Lý giải điều này, bà Thuỷ nói: “Học ĐH có sự khác biệt lớn với quá trình học phổ thông, không hẳn học lực trung bình ở phổ thông thì không học tốt bậc ĐH. Nếu chọn được đam mê, ngành học phù hợp thì sẽ thấy việc học ĐH rất hay. Mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi nếu chọn được ngành, môi trường học tập phù hợp”.
“Không chỉ quá trình học ĐH, một người có đam mê, kỹ năng và thái độ tốt có khi còn thành công hơn cả những người có học lực giỏi nhưng thiếu kỹ năng và thái độ chưa tốt”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm lời khuyên, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, thông tin hiện các trường ĐH đều có nhiều phương thức xét tuyển và mỗi phương thức có điểm lợi để giúp học sinh có cơ hội trúng tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ đang được nhiều trường sử dụng với số lượng lớn chỉ tiêu. Thí sinh có học lực trung bình khác có thể tham khảo phương thức này của các trường. Cụ thể là tham khảo điểm trúng tuyển 3 năm gần nhất các ngành có mức độ tiệm cận với học lực học bản thân.

Học sinh tham dự tư vấn chiều nay

Phạm Hữu

“Quan trọng nhất ở đây là trúng tuyển được ngành học yêu thích nhất chứ không phải trường nào, hay bậc học nào. Bởi khi có đam mê với ngành học thì sẽ giúp học tốt bậc ĐH, ra trường mới phát huy hết năng lực bản thân trong công việc”, thạc sĩ Phụng lý giải.

Học CĐ khác với ĐH ra sao?

Một học sinh Trường THPT Bình Phú (Bình Dương) đặt vấn đề: “Các nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn ra sao giữa một sinh viên tốt nghiệp ĐH và CĐ?”. Với câu hỏi này, thạc sĩ Lương Thị Thu Thủy cho rằng việc chọn học bậc học nào phụ thuộc vào bản thân người học: sở thích, năng lực, điều kiện hoàn cảnh gia đình… Tuy nhiên, với quy chế đào tạo hiện nay, một sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ dễ dàng học liên thông lên ĐH.

Học sinh đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngành nghề

Phạm Hữu

Vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nói: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều đơn vị tuyển dụng, trong thực thế bản thân các doanh nghiệp không phân biệt bằng cấp trong quá trình tuyển dụng. Điều quan trọng mà họ quan tâm là năng lực, kỹ năng và thái độ ra sao”.
Chia sẻ thêm sự khác nhau trong đào tạo bậc ĐH và CĐ, tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết sự khác nhau đầu tiên là thời gian học tập. Trong đó, bậc CĐ trung bình đào tạo trong 2-3 năm, bậc ĐH đào tạo trung bình 3-4 năm (các ngành đặc thù có thể 5-6 năm).
"Việc học CĐ có những lợi thế nhất định, sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian học tập và với sự chú trọng nhiều vào thực hành, thực tập doanh nghiệp nên sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia sớm vào thị trường lao động", tiến sĩ Huy chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.