Thấp nhất là bậc 1 (văn bằng tương ứng là chứng chỉ nghề bậc 1), cao nhất là bậc 8 (văn bằng tương ứng là tiến sĩ). Các văn bằng trung cấp sẽ tương ứng với bậc 4, CĐ bậc 5, ĐH bậc 6, thạc sĩ bậc 7.
Mục tiêu của việc ban hành khung trình độ quốc gia là để phân loại, chuẩn hóa năng lượng và khối lượng học tập tối thiểu đối với mỗi trình độ, thông qua đó chuẩn hóa văn bằng chứng chỉ. Khung trình độ quốc gia cũng sẽ là căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.
Sau khi có khung trình độ quốc gia, các cơ sở giáo dục sẽ phải rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động và cam kết thực hiện chương trình theo chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo.
Theo Bộ GD-ĐT, đây là khung trình độ được xây dựng trên cơ sở tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Hiện trên thế giới có khoảng 140 quốc gia đã và đang áp dụng khung trình độ quốc gia. Với việc Chính phủ ban hành quyết định này, VN sẽ thiết lập được mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác, thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế là cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ (đi kèm là văn bằng tương ứng), từ đó nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Bình luận (0)