Lắp camera có chấm dứt bạo hành?

Yêu cầu lắp camera trường mầm non, nhóm trẻ gia đình... được đưa ra ngay sau vụ bạo hành trẻ gây phẫn nộ cả xã hội tại Trường mầm non Mầm Xanh, TP.HCM.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, camera chỉ là giải pháp tình thế, điều căn cơ vẫn là đạo đức của mỗi nhà giáo.


Tôi không coi việc lắp camera để theo dõi lớp học là một giải pháp tốt. Lắp camera có vẻ như chỉ là giải pháp tình thế, trong khi mục tiêu của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ...

Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT


Tại cuộc họp của UBND TP.HCM về vấn đề này mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị phải lắp camera ở các điểm giữ trẻ để giám sát. Thực hiện chỉ đạo này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang phối hợp cùng các sở ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Tư pháp, công an để xây dựng văn bản quy định về việc lắp đặt camera trong trường mầm non trình UBND TP vào tháng 12.
Giám sát hoạt động giảng dạy
Tại TP.HCM, chỉ một số trường công sử dụng thiết bị này khi có tài trợ của phụ huynh và lắp đặt ở các khu vực sinh hoạt chung hay những góc khuất cầu thang...
Bà Trần Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non 20.10 (Q.1), cho biết: “Trường đang đặt camera tại sảnh, cầu thang, phòng chức năng, bếp để đảm bảo an toàn cho học sinh (HS) trong giờ đưa đón, các tiết sinh hoạt tập thể và quản lý quy trình thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn. Chúng tôi không đặt thiết bị này trong lớp học vì đó không phải là quy định và ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra, dự giờ quan sát các lớp học”.
Hơn cả camera, đạo đức của giáo viên mới là tiêu chí quyết định môi trường giáo dục tốt Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập từ lâu đã sử dụng camera như một hình thức vừa để giám sát vừa để thu hút phụ huynh chọn gửi trẻ. Ông Nguyễn Minh Thuận, chủ trường mầm non chuẩn Nhật Bản CohasKids (Q.7), cho rằng việc gắn camera trong lớp học là cần thiết và hiệu quả bởi qua đó giúp phụ huynh quan sát, giám sát được các hoạt động giảng dạy của giáo viên (GV).
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết trường mầm non công lập ở các quận nội thành Hà Nội đều lắp hệ thống camera để giám sát, đảm bảo an toàn cho HS. Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm), cho biết nhà trường đã lắp camera tại mọi phòng học và “ngõ ngách” trong trường từ khoảng 5 năm nay.


Hai bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở Q.12 trình diện công an
Ngày 29.11, đại tá Đoàn Văn Phúc, Trưởng công an Q.12 (TP.HCM), cho biết Nguyễn Thị Đào (23 tuổi, quê Đồng Tháp) và Phạm Như Quỳnh (23 tuổi, quê Cà Mau), 2 trong số các bảo mẫu hành hạ trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (P.Hiệp Thành, Q.12), đã đến trụ sở Công an Q.12 trình diện. Cả hai được lấy lời khai để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 28.11, Cơ quan CSĐT Công an Q.12 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, quê Lâm Đồng), chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, để điều tra về tội "hành hạ người khác" theo điều 110 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, bảo mẫu Quỳnh và Đào bỏ trốn.
Hải Nam


Tuy nhiên, theo bà Mai, hệ thống camera chỉ kết nối với ban giám hiệu chứ không kết nối tới phụ huynh. Mặc dù vậy, bà Mai cũng cho rằng nền nếp, ý thức của GV đã tốt rồi thì đây chỉ là một kênh để nếu không may có sự việc gì xảy ra thì những người có chức năng sẽ truy xuất lại dữ liệu nhằm đánh giá tình hình.
Mới đây, khi Hà Nội xảy ra một số vụ việc ảnh hưởng tới sự an toàn của HS, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phát đi văn bản yêu cầu tăng cường công tác an toàn, an ninh trường học. Trong đó nêu rõ: Khuyến khích các nhà trường lắp hệ thống camera kết nối với công an phường, xã để kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, chống xâm hại, chống dịch bệnh, an toàn giao thông...
Từ năm 2012, Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân đã lắp toàn bộ hệ thống camera lớp học ở tất cả các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, với khối mầm non tư thục thì chưa đặt ra như một yêu cầu bắt buộc.
Chỉ là giải pháp tình thế
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay sáng 29.11, Sở đã họp với tất cả quận huyện để thống nhất việc tăng cường quản lý, nâng cao ý thức trách nhiệm với khối giáo dục mầm non, đặc biệt là ở khối tư thục. Tuy nhiên, theo ông Quang, ông không đặt vấn đề lắp camera để giám sát hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ là yêu cầu bắt buộc hay coi đó là giải pháp tốt nhất. Thay vào đó, Hà Nội chú trọng tới việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo.
Về câu chuyện phải gắn camera giám sát từng lớp học, NGND, TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu quan điểm: "Tôi không coi việc lắp camera để theo dõi lớp học là một giải pháp quản lý tốt. Lắp camera có vẻ như chỉ là giải pháp tình thế, trong khi mục tiêu của giáo dục là hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ chứ không chỉ là xử lý tình huống". Bà Mai phân tích: Dạy học là phải có sáng tạo, có sự giao lưu, tình cảm giữa cô và trò…GV sẽ bị áp lực nếu biết rằng lúc nào cũng có người “theo dõi”, quan sát, bình phẩm... từng cử chỉ của mình trên lớp, khi đó việc dạy cho “người quan sát” thì những sáng tạo, giao lưu tình cảm tự nhiên sẽ không còn nữa.
Một phụ huynh vừa làm việc vừa theo dõi con học ở trường mầm non qua camera
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng nhìn nhận có trường gắn camera chỉ nhằm mục đích phụ huynh yên tâm để thu hút trong tuyển sinh chứ không thật tâm bảo vệ trẻ nên khó lòng mà ngăn chặn được bạo hành hay đối xử thiếu tính giáo dục với HS. Do vậy, theo bà Thu, camera chỉ là phương tiện hỗ trợ, là hình thức răn đe, làm hạn chế những hành động phản giáo dục của người nuôi giữ trẻ. Điều thật sự cần hơn cả là cái tâm, đạo đức của GV và đó mới là tiêu chí quyết định môi trường giáo dục mầm non trong lành.
Tương tự, một chuyên viên phụ trách mầm non của Phòng Giáo dục Q.12 cho biết: “Những việc làm tàn nhẫn với trẻ đã khiến cả xã hội mất lòng tin nên thời điểm này việc lắp camera là cần thiết, để phụ huynh yên tâm. Nhưng cái tâm với nghề, với trẻ của GV mới là quan trọng”.
Bà Phạm Ánh Tuyết, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.8, thẳng thắn nhìn nhận việc lắp đặt các phương tiện nghe nhìn không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Đó là giải pháp bề nổi bởi nếu người dạy không yêu trẻ, không có đạo đức thì họ có hàng ngàn cách để đối phó với thiết bị. Bà Ánh Tuyết cho rằng các phường xã nên phát huy thế mạnh của hội phụ nữ, tổ dân phố... tham gia giám sát các nhóm lớp mầm non, đó là những nơi dễ phát sinh vấn đề nhất.
Bộ không quy định bắt buộc
Bộ không đặt ra việc lắp camera trường học là quy định bắt buộc. Thời gian qua, Bộ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; nhiều văn bản hướng dẫn về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt các nhóm lớp độc lập tư thục. Trong đó đảm bảo an toàn cho trẻ là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cấp phép thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục. Tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) hoạt động của các cơ sở tư thục để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Ý kiến
Không giải quyết được bạo hành
Trường có camera hay không đều được. Có camera thì lâu lâu nhớ con có thể mở ra xem nhưng không có cũng không ảnh hưởng gì. Nếu lo lắng cô giáo bạo hành thì camera cũng không giải quyết được vì cô sẽ đưa bé vào góc khuất, nhà vệ sinh mới đánh.
Lê Phương - Phụ huynh có con học trường mầm non ở TP.HCM
Rất mệt mỏi cho giáo viên
Tâm lý của phụ huynh là muốn theo được các bé mới yên tâm. Có nhiều vụ bạo hành xảy ra, phụ huynh càng thấy lo lắng. Tuy nhiên, nhiều khi rất mệt mỏi, nhiêu khê, phiền phức cho GV. Có khi cứ vài phút là phụ huynh lại gọi điện nhắc nhở rất mất thời gian. Camera chỉ nên lắp vào một số góc để kiểm soát an ninh mà không cần online. Phụ huynh tin tưởng cô giáo thì sẽ chấp nhận được.
C.M - GV một trường mầm non tại Q.8, TP.HCM
Đăng Nguyên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.