Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dục

09/08/2018 09:11 GMT+7

Cho rằng dự án luật Giáo dục sửa đổi có tác động lớn, được nhân dân quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp, đồng thời giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật.

Không nên bỏ kỳ thi
Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 8.8, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết về vấn đề thi THPT hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi cử tại các tỉnh vừa rồi thì nhân dân rất quan tâm tới dự luật này, do đó chúng ta không thể không lấy ý kiến rộng rãi được
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi còn có ý nghĩa chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.
Ý kiến ngược lại đề xuất không nên tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Nhóm ý kiến này cũng cho rằng việc điều chỉnh này tạo điều kiện tốt hơn đối với người theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, được học lên các trình độ cao hơn.
Ông Bình cho hay Thường trực Ủy ban ủng hộ ý kiến thứ nhất, tiếp tục tổ chức thi THPT và đề nghị UBTVQH cho ý kiến về các quan điểm nêu trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp Ảnh: Quang Khánh

Ủng hộ phương án thứ nhất, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải, cho rằng hiện có ý kiến cho rằng nếu thi thì 98% tốt nghiệp, chỉ 2% trượt, như vậy tổ chức 1 kỳ thi thì quá tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không thi thì việc dạy và học sẽ ra sao? “Liệu Bộ GD-ĐT có dám khẳng định không thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như thi hay không? Công tác thanh kiểm tra, quản lý chất lượng như thế nào?”, bà Hải nêu vấn đề.
Đồ họa: Võ Ba

Hầu hết các ý kiến cũng đồng tình với phương án “có học thì phải có thi”, nếu không thì rất khó đảm bảo chất lượng. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Nguyễn Văn Giàu, bày tỏ từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nếu không tổ chức thi thì học sinh sẽ không chuẩn bị từ lớp 10 mà muốn tốt nghiệp THPT thì phải chuẩn bị từ lớp 10. “Không thể vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 80 - 90% mà nghĩ tới việc bỏ kỳ thi. Có thi mới đánh giá được cả một chặng đường học THPT. Tôi ủng hộ nên thi”, ông Giàu nêu.
Thay đổi thường xuyên không phải là điều tốt
Từ vấn đề thi tốt nghiệp THPT, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng 2 luồng ý kiến có rất nhiều lý lẽ thuyết phục, tuy nhiên bản thân ông thấy rằng trước đây 2 kỳ thi, cả tốt nghiệp THPT và thi đại học nhưng những người được đào tạo ra vẫn có trình độ tốt dù khi đó kinh tế đất nước chưa phát triển, trình độ năng lực quản lý, điều kiện đầu tư phương tiện cho giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa được như bây giờ. Trong khi đó, hiện nay, hết năm này sang năm khác việc thi cử thay đổi liên tục khiến học sinh, phụ huynh rất vất vả, khó khăn. Ông Lưu đề nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, tham khảo ý kiến các nước, lấy ý kiến để chọn ra phương án cho ổn định. “Giáo dục thay đổi thường xuyên không phải là điều tốt”, ông Lưu bày tỏ.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng giáo dục nên có tính ổn định vì năm nào cũng thay đổi thi cử, tuyển sinh khiến phụ huynh, học sinh rất lo lắng. “Sách vở ngày xưa tôi học, mấy người em sau tôi vẫn tiếp tục học, giờ sách vở quá nhiều, mỗi năm mỗi khác, tốn tiền nhân dân lắm!”, bà Ngân nói và khẳng định việc đổi mới là cần thiết nhưng cần phải ổn định, chứ không nên năm nào được năm ấy.
Lùi thời gian thông qua để lấy ý kiến nhân dân
Các thành viên của UBTVQH cho rằng dự luật Giáo dục sửa đổi liên quan tới toàn dân, tác động rất rộng lớn, do đó cần được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp để có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, những tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã để lại nhiều dư âm đang phải giải quyết, trả lời và xử lý bằng pháp luật. Hiện nay, về việc có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi hay không, dư luận vẫn chưa thống nhất. Do đó, ông Phúc đề xuất các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật này cần có thêm thời gian để quyết sách sao cho trúng.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với đề nghị vẫn đưa dự luật sửa đổi này ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 6, giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện dự thảo và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Theo bà Ngân, sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi cử tại các tỉnh vừa rồi thì nhân dân rất quan tâm tới dự luật này, do đó chúng ta không thể không lấy ý kiến rộng rãi được.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xin UBTVQH cho lùi hẳn thời gian trình dự thảo luật sang kỳ họp thứ 7 trong năm tới để có thời gian hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đảm bảo chất lượng dự án luật. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng tinh thần là phải tích cực chuẩn bị, còn việc có đưa ra kỳ họp thứ 6 để thảo luận hay không sẽ quyết định vào phiên họp thường vụ trước kỳ họp.
Ý kiến
Vấn đề đội ngũ nhà giáo phải thể hiện rõ trong luật
Ảnh: Tuệ Nguyễn
Vấn đề đội ngũ nhà giáo phải thể hiện rõ trong luật. Ví dụ, về lương nhà giáo phải được thể hiện rõ trong luật chứ không thể hiện một cách nhạt nhòa vì ý kiến của bộ này, bộ kia. Còn về kỳ thi, quan điểm của tôi là không nên tổ chức ở cấp quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh đại học thì phải giao quyền chủ động cho các trường đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP. Hà Nội
Nên giao việc công nhận tốt nghiệp cho trường THPT
Ảnh: Tuệ Nguyễn
Nhân dịp chúng ta sửa luật Giáo dục thì nên cân nhắc có tổ chức kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT hay không. Kỳ thi đã có tới 98 - 99% đỗ tốt nghiệp thì việc tổ chức thi là không cần thiết. Bằng tốt nghiệp THPT thì cũng không quá quan trọng nữa. Nếu đã không thi thì nên giao cho các trường THPT đánh giá. Các trường tự đánh giá thì trường đó tự cấp bằng. Với các trường đại học thì quyền ra đề là quyền của các trường đại học. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cần xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, đủ lớn để sẵn sàng cung cấp đề thi cho các trường đại học nếu họ có nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phải thoát khỏi việc trực tiếp tổ chức những sự vụ như là thi cử, lo những chuyện lớn hơn chứ tập trung quá nhiều nguồn lực cho việc thi cử thì còn thời gian, nhân lực đâu để lo những vấn đề quan trọng khác của GD-ĐT.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.