Lớp học tiếng Việt giữa Tokyo

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/02/2019 20:21 GMT+7

Không chỉ là lớp học tiếng Việt cho trẻ em, mà bằng những hoạt động gần gũi, giáo viên và tình nguyện viên của Trường Việt ngữ Tokyo đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam sang đất nước mặt trời mọc để các em nhỏ không quên nguồn cội.

Con và cha mẹ cùng học

Chị Phạm Đỗ Phương Nga, 40 tuổi, đang làm việc tại Tập đoàn Toray (Nhật Bản) chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, khi cả hai vợ chồng định cư ở đất nước này, lúc nào trong chị cũng mong muốn con gái lớn lên không quên tiếng Việt và văn hóa Việt. Mỗi cuối tuần đưa con đến trường Việt ngữ, chị hạnh phúc khi dần dần con chị không chỉ nói tiếng Việt rất tốt, mà còn vui vẻ hòa đồng trong cộng đồng gồm những bạn bè, cô chú cũng là người Việt Nam.
“Tôi đưa con đi học khá vất vả, mỗi lần đến trường mất cả 1 giờ đồng hồ đi tàu, nhưng bù lại, thấy con tiến bộ mỗi ngày, gia đình chúng tôi ai cũng vui. 3 năm con đến trường, cùng học đọc, học viết, cùng tham gia các chương trình ngoài giờ như liên hoan văn nghệ, cắm trại, bé gái 10 tuổi của tôi tự tin hơn rất nhiều, khi con thấy xung quanh mình là những bạn bè cùng là người Việt, cùng nói tiếng Việt. Bản thân vợ chồng chúng tôi cũng có thêm nhiều bạn bè người Việt cùng chia sẻ vui buồn trong đời thường xa xứ”, chị Nga bộc bạch.
Cũng theo chị Nga, mỗi buổi học cho các con, bố mẹ chỉ đóng 1.500 yên, tầm 300.000 đồng tiền Việt Nam, so với mặt bằng bên Nhật thì giá này rất rẻ.
Những em nhỏ dễ thương của trường tiếng Việt M.K

Học tiếng Việt và văn hóa Việt

Trường Việt ngữ Tokyo đã thành lập 5 năm và được điều hành bởi một nhóm phụ huynh người Việt đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Ban đầu, chỉ là mọi người cùng muốn dạy tiếng Việt cho con em mình, lâu dần, nhu cầu của phụ huynh ngày càng lớn khi ai cũng muốn cho con có một môi trường được nói tiếng Việt nhiều hơn, từ đó trường đã ra đời.
Chị Đỗ Minh Khai, đại diện ban điều hành trường, cho biết trường được thành lập từ tháng 4.2014 đến nay, có 3 lớp học theo các độ tuổi 3-5; 5-7 và 7-12, hiện có 3 giáo viên chính thức và 2 giáo viên dự bị.
[VIDEO] TRẺ EM VIỆT HỌC HÁT TIẾNG VIỆT Ở TRƯỜNG VIỆT NGỮ TOKYO
Vấp phải những khó khăn về việc thuê địa điểm, làm giáo án, tập hợp học sinh khi mà người Việt sống rải rác ở Tokyo, để bố trí thời gian đưa đón con đi học mỗi tuần giữa lịch làm việc dày đặc của mẹ cha là cố gắng không hề nhỏ, các giáo viên trong trường bền bỉ với đam mê giảng dạy của mình.
Không chỉ giảng dạy tiếng Việt, chú trọng kỹ năng đọc, viết, các cô giáo còn sáng tạo các hoạt động như múa hát, diễn kịch, tìm hiểu văn hóa và lịch sử của đất nước... Bên cạnh các lớp học tiếng Việt cho các con, trường cũng có các buổi chia sẻ kiến thức cho các cha mẹ không hề mất phí như kinh nghiệm chọn trường và thi vào cấp 2 cho con, cân bằng việc nhà và việc công ty, trẻ em và công nghệ thông tin, đọc sách và thư giãn… Dù thầy cô chỉ gặp các trò một buổi mỗi tuần, nhưng tình thầy trò luôn khăng khít.
Chị Đỗ Cẩm Ly, 26 tuổi, người đã 5 năm gắn bó với trường, phụ trách chính lớp mầm non nhớ lại một kỷ niệm xúc động: "Tôi còn nhớ mãi, đó là một ngày mùa xuân nhưng Tokyo vẫn có tuyết rơi. Tôi đến trường khi bàn tay của mình lạnh cóng. Một học trò nhỏ của tôi được cha mẹ quấn chăn và cho ngồi trên xe đẩy để vào lớp. Vào tới lớp, vừa nhìn thấy tôi, em nhỏ đã đi đến bên tôi, đưa bàn tay nhỏ xíu ra cầm lấy bàn tay tôi và bảo 'Cô Ly lạnh à? Cô Ly cố lên'. Tôi cảm động vô cùng. Hành động nhỏ bé của em đã động viên mạnh mẽ tới tôi, một cô giáo trẻ thời điểm đó".
Các thầy cô trong ban điều hành trường Việt ngữ Tokyo M.K
Lễ hội mừng xuân của cô và trò M.K

“Giữ gìn tiếng Việt - gìn giữ cội nguồn”

Chị Đỗ Minh Khai cho hay, với những người điều hành trường học hoàn toàn không có thù lao, nhưng niềm vui lớn nhất mà mọi người có là mang đến tình yêu tiếng Việt cho trẻ em, những em bé ban đầu chưa biết gì về tiếng Việt nhưng sau thời gian đi học đã biết chữ, đọc và viết lưu loát. Nhiều bố mẹ khi sang Nhật Bản làm việc, áp lực công việc rất lớn nhiều khi rất căng thẳng, khi có một cộng đồng với nhiều ông bố bà mẹ Việt, với những người con nhỏ, họ sẽ cùng tham gia các hoạt động để cùng tự tin hơn trên đất Nhật.
Chị Minh Khai cũng bộc bạch, động lực để những phụ huynh như chị gắn bó với ngôi trường này đó là coi trường như một chiếc cầu, nối gần hơn Nhật Bản với quê hương: “Chúng tôi muốn nhắn nhủ với các phụ huynh, giữ tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt Nam là gìn giữ cội nguồn, Đến nay, nhiều em học sinh đã ra trường vẫn về lại trường tham gia các hoạt động của trường như trại hè, hội, tết… Tới nơi đây, chúng tôi thấy quê nhà gần mình hơn” .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.