Lựa chọn chương trình quốc tế tại Việt Nam

20/08/2016 05:08 GMT+7

Học tại VN nhưng được cấp bằng giá trị quốc tế là một lợi thế lớn của các chương trình liên kết nước ngoài. Thế nhưng yêu cầu đầu vào và điều kiện học tập ra sao là điều nhiều thí sinh quan tâm.

Trong chương trình trực tuyến “Học chương trình quốc tế ngay tại VN” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 19.8, các chuyên gia tư vấn đã mang đến cho thí sinh nhiều thông tin để lựa chọn.
Tiết kiệm chi phí
Với xu hướng giáo dục hội nhập như hiện nay, có nhiều cách để có thể lấy được bằng cử nhân quốc tế. Tuy nhiên, nếu chọn cách đi du học, phụ huynh sẽ phải chuẩn bị một khoản kinh phí lớn để có thể trang trải trong suốt 4 năm học tại nước ngoài. Đó là chưa kể những khác biệt về văn hóa, môi trường sống, môi trường học tập tại nước ngoài có thể sẽ gây tâm lý sốc cho người học.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nhìn nhận: “Học tại VN cũng là một lựa chọn của rất nhiều phụ huynh và thí sinh. Trước hết, phụ huynh tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, trong khi vẫn được thụ hưởng những tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến”. Theo tiến sĩ Hải, có rất nhiều hình thức, chẳng hạn chương trình 2+2 học một nửa thời gian tại VN, một nửa tại nước ngoài, hoặc chương trình 1+3, 3+1.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết thêm: “Thực tế, học phí các chương trình liên kết chỉ cao hơn chương trình chính quy trong nước một chút. Chỉ từ khoảng 20 - 25 triệu đồng/học kỳ, nhưng nếu học ở nước ngoài, chi phí gấp hơn 6 lần”.
PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng thông tin, với ngành quản lý cảng và logistics liên kết với ĐH Tongmyong (Hàn Quốc), nếu học tại VN 2 năm đầu thì chỉ tốn 50 triệu đồng học phí mỗi năm, nhưng học tại Hàn Quốc, chi phí lên khoảng hơn 80 triệu đồng/năm. Ngành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện liên kết với ĐH bang Arkansas (Mỹ) nếu học toàn bộ ở Mỹ thì học phí là 6.700 USD/năm, trong khi học tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thì chi phí giảm rất nhiều.

Lưu ý đầu vào tiếng Anh
Mỗi chương trình liên kết ở mỗi trường đều có những yêu cầu đầu vào khác nhau. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, yêu cầu người học phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0 hoặc tương đương ngay khi vào học. Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành yêu cầu IELTS 4.5 đầu vào và đầu ra là IELTS là 6.5. Trường CĐ Viễn Đông yêu cầu TOEFL 500 hoặc TOEIC 600, IELTS 5.0… Một số trường yêu cầu thí sinh phải viết thêm bài luận.

Theo các chuyên gia, tất cả các chương trình liên kết đều phải học bằng tiếng Anh, nhưng phần lớn thí sinh đều chưa chuẩn bị các chứng chỉ tiếng Anh cần thiết. Theo thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trường đã xây dựng chương trình học tiếng Anh cho những sinh viên chưa đạt yêu cầu tiếng Anh đầu vào, để đảm bảo đến năm thứ 2 người học phải đáp ứng được tiêu chuẩn. Các trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TP.HCM và CĐ Viễn Đông đều có chương trình ngoại ngữ tăng cường học trong vòng 1 - 2 năm nhằm giúp người học có đủ vốn ngoại ngữ để tiếp nhận kiến thức từ giảng viên nước ngoài.
Thông tin chi tiết về chương trình trực tuyến này xem tại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.