'Mẹ ơi, con không muốn mẹ làm giáo viên mầm non'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
13/04/2019 15:11 GMT+7

Đó là lời của con gái chị Kim Oanh, hiện là giáo viên mầm non ở Q.Tân Phú, TP.HCM khi thấy mẹ thường đi sớm về tối, hay đón con trễ, không có thời gian chăm con...

Có quá nhiều áp lực

Mới đây, một cô giáo mầm non ở TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên do không chịu được áp lực nghề nghiệp, xin nghỉ việc không được đã uống chất tẩy rửa để tự tử. Đây không phải là lần đầu giáo viên mầm non lên tiếng về những khó khăn trong nghề. Tuy nhiên, để đến mức tự tử thì hầu như rất hiếm.
Chia sẻ về những khó khăn, vất vả khi làm giáo viên mầm non, chị Trần Thị Cẩm Loan, người từng có 15 năm trong nghề và hiện làm Hiệu trưởng Trường mầm non Việt Mỹ (Q.Tân Phú, TP.HCM) rưng rưng: “Những năm trước đây, làm cô giáo mầm non chỉ gặp áp lực từ việc phải chăm một lúc quá nhiều bé dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng ngày nay, áp lực lớn nhất lại được tạo ra từ phía phụ huynh và dư luận. Nhiều phụ huynh rất cưng con, nghĩ rằng bỏ tiền ra cho con đi học, nhất là học trường tư, thì có quyền không tôn trọng giáo viên”.
Chị Cẩm Loan kể về những khó khăn trong nghề
Chị Loan kể, con nít thường hiếu động, trong lớp có thể đùa giỡn hoặc cào cấu nhau, đôi khi chỉ cần một phút lơ là, là cô giáo không kịp trở tay. Không ít phụ huynh thấy con mình có một vết xước ở má, chưa tìm hiểu, đã vội chạy đến trường la lối, chửi mắng cô giáo, bắt cô xin lỗi. “Lúc đó, dù thế nào thì cô giáo vẫn phải xin lỗi phụ huynh. Làm nghề này ngoài lòng yêu trẻ và đức tính nhẹ nhàng, mềm mỏng ra thì phải học cách kiên nhẫn và kìm chế. Có nhiều em mới vào nghề, đối diện với những tình huống thực tế như vậy, bị stress nặng. Do không có kinh nghiệm nên không vượt qua được, dẫn đến bỏ nghề. Mới đây một cô giáo trong trường tôi đã xin nghỉ vì không thể tiếp tục. Em ấy làm việc rất tốt, được phụ huynh rất yêu quý. Nhưng chính vì để được như vậy nên em ấy đã phải chịu đựng rất nhiều áp lực, đến khi không thể cố gắng được nữa...”, chị Loan chia sẻ.

 

 

Nguyến Thúy V., một cô giáo từng dạy tại Trường mầm non Rạng Đông (Q.Tân Phú, nay đã chuyển nghề), thừa nhận: “Khi còn làm giáo viên mầm non, có những lúc em căng thẳng đến mức ngồi thừ ra, nước mắt cứ thế chảy, xung quanh là tiếng gào khóc của các bé. Lớp thì hơn 20 bé nhưng chỉ có 2 cô. Các trẻ mới trên dưới 2 tuổi, quấy khóc, lười ăn, vệ sinh bừa bãi... Nhưng khi phụ huynh đến đón, người mệt phờ rồi vẫn phải niềm nở tươi cười. Nhiều lúc bị cha mẹ gọi điện mắng mỏ vì để quần áo bị bút màu làm dơ. Nặng hơn thì phụ huynh lên phản ánh với hiệu trưởng chỉ vì những chi tiết nhỏ như con bị xước ở tay...”.

 

Ánh mắt, nụ cười trẻ thơ là động lực tiếp tục với nghề

Cô giáo Kim Oanh (hiện phụ trách lớp mầm tại Trường mầm non Việt Mỹ) kể lại: “Em có 13 năm làm cô nuôi dạy trẻ, nhiều lúc muốn bỏ nghề ngay lập tức khi gặp phải những tình huống trớ trêu từ phụ huynh, nhưng lại nghĩ những phụ huynh không thể thấu hiểu và chia sẻ với cô giáo chỉ chiếm số nhỏ. Còn rất nhiều phụ huynh dễ thương, trân trọng cô giáo. Nghĩ đến những ánh mắt, nụ cười trẻ thơ đang chờ đợi mình, nghĩ đến những phụ huynh tuyệt vời đó, em lại cảm thấy mình như trút được áp lực để tiếp tục với nghề”.

Cô giáo Kim Oanh kể chuyện nghề
Do thường đi sớm về muộn, Kim Oanh không có thời gian để chăm sóc con. “Con em nói là buổi sáng mẹ vui tươi, tinh tươm đi làm, chăm sóc các em nhỏ, tối về mẹ mệt mỏi, ăn xong lại soạn giáo án. Buổi chiều khi các bé về hết rồi em mới chạy đến trường đón con, thì thấy con ngồi bệt dưới đất thơ thẩn đợi mẹ, nước mắt muốn rớt ra. Nhiều lần con nói ước gì mẹ đổi nghề khác, đừng làm cô giáo mầm non nữa”, Kim Oanh vừa kể vừa khóc.
Cô giáo Kim Oanh khóc khi con không muốn mẹ làm giáo viên mầm non
Chị Cẩm Loan cũng chia sẻ mình có 2 con học lớp 7 và lớp 1, nhưng chưa bao giờ dự một buổi khai giảng hay họp phụ huynh cho con, chưa từng có thời gian đưa con đi học vì sáng 6 giờ đã phải từ nhà đi đến trường mầm non, chiều thì 6 - 6 giờ 30 mới rời nơi làm việc.

“Con bị ốm đi viện thì lại nhờ cậy đến chồng, đến người thâm chăm sóc trong khi mình thì hằng ngày chăm con người ta. Nhiều lúc nghĩ tủi thân và xót xa vô cùng. Nhưng phải chấp nhận thôi vì mình đã chọn nghề này, đã yêu và hết lòng với nó. Chỉ mong phụ huynh thấu hiểu công việc của các cô giáo mầm non, rằng các cô cũng là mẹ, cũng có con, nên hơn ai hết các cô rất hiểu nỗi lòng phụ huynh. Nhưng đã cho trẻ đến trường thì trẻ phải được dạy dỗ chứ không phải chỉ chăm sóc cưng chiều. Có một số trường hợp giáo viên mầm non bạo hành trẻ, nhưng đó chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh' khiến phụ huynh mất lòng tin, nhưng vẫn còn nhiều cô giáo có tâm với nghề, thương yêu con của quý vị phụ huynh lắm!”, chị Cẩm Loan tâm tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.