Mới nhập học phải đóng phí cả 4 năm!

Hà Ánh
Hà Ánh
31/08/2018 08:32 GMT+7

Không chỉ học phí, gánh nặng tài chính với thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào các trường ĐH, CĐ còn ở nhiều khoản phí khác. Trong đó có khoản phí với tên gọi “lạ”, thậm chí vừa nhập học đã phải nộp một lần cho cả 4 năm.

Bảo hiểm thu mỗi nơi mỗi kiểu !
Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, mức đóng bảo hiểm y tế học sinh và sinh viên (SV) với các trường trên địa bàn áp dụng cho năm học 2018 - 2019 (12 tháng) là 750.600 đồng. Trong đó, người học đóng 70% là 525.420 đồng và ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% còn lại. Người học có thể đóng 3, 6, 9 hoặc 12 tháng tính theo năm tài chính. Tuy nhiên, việc thu bảo hiểm này ở các trường tại TP.HCM vẫn mỗi nơi một kiểu. Có trường chỉ yêu cầu SV đóng bảo hiểm y tế theo 3 tháng như Trường CĐ Kinh tế TP.HCM. Còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu 15 tháng…
Không chỉ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cũng là khoản phí nhập học thường thấy ở nhiều trường. Một số trường ĐH ghi rõ về khoản thu tự nguyện này SV có quyền đóng hoặc không như: Nông Lâm TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… Ngược lại, có trường thu cả 4 năm như: Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Ở một số trường khác, mức thu này khác nhau: Trường ĐH Phú Yên thu 150.000 đồng/năm; Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng chỉ thu 70.000 đồng/năm; Trường ĐH Thăng Long thu 197.000 đồng/SV cho 4 năm…
Lệ phí giữ chỗ

Ngoài bảo hiểm, nhiều trường còn đưa ra nhiều khoản phí khác nhau, trong đó có khoản thu một lần cho cả 4 năm ngay khi SV nhập học năm đầu tiên.
Học viện Chính sách và phát triển thông báo thủ tục nhập học đối với thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy năm nay. Theo đó, lệ phí thi xếp trình độ Anh văn đầu vào 330.000 đồng/SV. Đáng lưu ý là một số khoản chỉ thu một lần cho 4 năm học như: Đoàn phí 96.000 đồng, phí khác 300.000 đồng (gồm hồ sơ SV, sổ ngoại trú, giấy chứng nhận tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, phiếu khảo sát tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giấy chứng nhận ngày công tác xã hội khi tốt nghiệp ra trường, sổ tay SV và tài liệu học tập tuần lễ học tập công dân đầu năm…). Tương tự, Trường ĐH Thăng Long cũng thu Đoàn phí một lần cho 4 năm là 144.000 đồng.
Lệ phí nhập học cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Bên cạnh học phí theo đơn giá tín chỉ tùy theo khối ngành, Trường ĐH Phú Xuân thu lệ phí giữ chỗ và nhập học lên tới 3,5 triệu đồng/SV. Trong khi đó, Học viện Nông nghiệp VN thu lệ phí nhập học 335.000 đồng/SV. Lệ phí nhập học ở Trường ĐH Bình Dương là 450.000 đồng/SV.
Riêng tại Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, lệ phí nhập học 200.000 đồng được trường diễn giải gồm: thủ tục nhập học và chi phí các loại giấy tờ như thẻ SV, thẻ thư viện, chứng chỉ giáo dục quốc phòng an ninh, chứng chỉ giáo dục thể chất, gửi thông báo cho gia đình về kết quả học tập và rèn luyện của SV trong suốt quá trình học.
Trường ĐH Tây Đô thu 400.000 đồng cho các khoản: lệ phí nhập học, thẻ SV và mở tài khoản, duy trì số dư tài khoản, sinh hoạt đầu khóa và phí gửi bảng điểm về gia đình, khám sức khỏe. Dù quy định không bắt buộc SV phải mặc đồng phục đến trường nhưng ngay khi nhập học, trường ĐH này thông báo rõ giá mỗi áo sơ mi đồng phục là 130.000 đồng.
Ngay phí khám sức khỏe nhập học cũng mỗi trường một kiểu. Trong khi một số trường chỉ thu ở mức 50.000 - 65.000 đồng/SV, Học viện Chính sách và phát triển thu 300.000 đồng/SV.
Ngoài ra, một số lệ phí có tên gọi khá “lạ” cũng thấy trong thông báo nộp tiền một số trường. Trường ĐH Hoa Lư thu 100.000 đồng/SV về “thông tin đào tạo và sổ tay SV”. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu phí hồ sơ và phí hành chính 200.000 đồng/SV. Trường ĐH Phú Yên yêu cầu SV đóng tiền mặt khi đến làm thủ tục nhập học các khoản: lệ phí duy trì thẻ liên kết 50.000 đồng/SV, tiền trang bị dụng cụ ban đầu cho cá nhân 100.000 đồng/năm học…
Trường ĐH Phú Xuân thông báo một số khoản thu hộ và chi hộ như chi phí 4 tuần học kỳ quân đội gồm tiền ăn (45.000 đồng/ngày) và tiền điện, nước (70.000 đồng/SV).
Tiến sĩ Trần Hữu Trung, Trưởng ban Đào tạo Trường ĐH Phú Xuân, cho biết số lệ phí nhập học 3,5 triệu đồng trường thu để chi cho nhiều hoạt động phục vụ SV. Trong đó, trọng tâm là hoạt động học kỳ quân đội gồm học phí và chi phí tổ chức chuỗi sự kiện đón tiếp SV, lễ ra quân, hoạt động thiện nguyện phát quà trong đêm trung thu… Ngoài ra, số tiền này còn bao gồm chi phí đồng phục, thẻ SV, túi xách trang bị cho SV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.