Giảm lợi tức giáo dục do tăng trường ĐH hay chất lượng đào tạo kém?
Như Thanh Niên đã phản ánh, TS Trần Quang Tuyến, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu về tài chính giáo dục do GS Ngô Bảo Châu chủ trì, đã công bố những kết quả mới mà ông và các cộng sự thu nhận được sau khi phân tích dữ liệu từ mẫu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê vào quý 1/2018.
tin liên quan
Học phí của một sinh viên bao nhiêu là đủ?Theo đó, lợi tức giáo dục gia tăng nhanh chóng từ khi VN chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nhưng lại ngày càng giảm kể từ năm 2008. “Nếu như năm 1998, mỗi năm đi học lợi tức cá nhân tăng 4% thì những năm sau con số này ngày càng tăng, đỉnh điểm là 10,4% vào năm 2008. Nhưng sau đó, con số này giảm dần, năm 2010 là 7%, năm 2014 là 6,4%. Kết quả nghiên cứu mà chúng tôi dựa vào số liệu thu thập được từ quý 1/2018 cho thấy lợi tức giáo dục của chúng ta hiện nay không chỉ thấp so với thế giới mà còn thấp hơn so với chính mình trước đây”, TS Tuyến nhận xét.
Theo ông Tuyến, một trong nhiều nguyên nhân khiến lợi tức giáo dục giảm là do số lượng trường ĐH tăng, từ đó dẫn đến nguồn cung lao động qua đào tạo ĐH nhiều. Trong khi đó, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp VN thấp hơn.
Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng băn khoăn vì nếu so với thế giới, tỷ lệ người đi học ĐH/dân số ở ta không cao. “Câu trả lời đúng, theo tôi là có thể liên quan tới vấn đề chất lượng đào tạo, hay nói cách khác là mức độ chấp nhận của thị trường lao động với những sản phẩm đào tạo của chúng ta”, GS Châu phát biểu.
Đề xuất các cách tính học phí
GS Trần Đức Viên, Chủ tịch hội đồng Học viện Nông nghiệp VN, cho biết đầu tư như thế nào, vào ngành nào, tính toán chi phí đào tạo ra sao, thu học phí ở mức nào... là những vấn đề mà cả nhà nước và các trường đặc biệt quan tâm trong bối cảnh chúng ta đang bắt đầu tiến trình tự chủ đại học.
Còn TS Mai Thị Quỳnh Lan, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết nếu tính suất đầu tư cho giáo dục chỉ bao gồm chi phí cơ sở vật chất (gồm cả khấu hao), lương cho giảng viên... là chưa đủ. Cần tính tới những yếu tố vô hình tạo thành chất lượng đào tạo, chẳng hạn như hiệu quả giảng dạy của người thầy.
PGS Vũ Văn Yêm, Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, gợi ý một cách tính học phí khác: “Chúng ta có thể tìm hiểu mức học phí của các nước, thu nhập của người sau tốt nghiệp ĐH ở các nước đó, từ đó tổng hợp thành bức tranh tổng thể để so sánh. Qua đó, chúng ta sẽ nhận thấy theo thông lệ, một người đi làm bao nhiêu năm sẽ có thu nhập đủ để bù đắp hoàn toàn khoản học phí mà trước đó họ đã đóng cho trường ĐH”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, nếu xuất phát từ góc độ tư vấn chính sách, có một con số rất quan trọng là làm sao tính được sự sẵn sàng chi trả của người dân cho một ngành học cụ thể. GS Châu cũng cho rằng các nhà nghiên cứu cần chỉ ra được 2 con số: chi phí thực cho đào tạo (suất đầu tư), khoản tiền bố mẹ người học sẵn sàng chi trả cho con. Hai con số đó có thể vênh nhau và độ vênh chính là căn cứ để nhà trường xác định có tăng học phí hay không. Nếu con số không vênh lắm, nhà trường có thể tăng học phí, nhưng tăng trong mức độ người học chấp nhận được.
Bình luận (0)