Ngày 25.7, tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa), Ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề về kiểm định chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam, với sự tham gia của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), và hơn 50 cơ sở đào tạo ngành luật ở Việt Nam.
|
Thiếu nhân lực và không có trung tâm kiểm định độc lập
Tiến sĩ Đỗ Anh Dũng,Trưởng phòng Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT) cho biết, “kiểm định chất lượng giáo dục” chính thức được đưa vào luật Giáo dục năm 2005. Hiện, cả nước mới có 5 tổ chức (trung tâm) kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập, hoạt động.
Về nguyên tắc các trung tâm kiểm định chất lượng đào tạo phải mang tính độc lập. Nhưng thực tế hiện nay ở Việt Nam, 4/5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đang thuộc các trường đại học; 1 trung tâm còn lại thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nên còn mang tính lệ thuộc.
Mặc dù cả nước có hàng ngàn cơ sở giáo dục, nhưng sau 15 năm được "luật hóa", đến nay mới có 254 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 150 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá.
Đặc biệt, theo tiến sĩ Dũng, nhân lực cho việc kiểm định chất lượng đào tạo còn rất mỏng, khi mới chỉ có 346 người được cấp thẻ kiểm định viên để làm công việc kiểm định. Do đó, việc triển khai kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam còn rất hạn chế, dẫn tới chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng, kể cả đối với các cơ sở đào tạo ngành luật.
|
Các cơ sở đào tạo phải chủ động tự kiểm định chất lượng đào tạo
Theo tiến sĩ Trần Quang Huyên, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, thì kiểm định chất lượng giáo dục là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với các trường Công an nhân dân nói chung, và Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng. Dù vậy, những năm qua Học viện Cảnh sát nhân dân đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hoàn thành chu kỳ tự đánh giá 3 lần (vào các năm 2009, 2014 và 2019).
"Trong tự đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo trước tiên phải được sự quan tâm của lãnh đạo trường, hoặc cơ sở đào tạo; tiếp đến là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, học viên, sinh viên; phải chủ động tự đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo thường xuyên, liên tục. Có như thế mới có thể nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo" tiến sĩ Huyên nói.
Một vấn đề nữa tại hội thảo cũng được các cơ sở giáo dục quan tâm, và chú trọng trong thời gian tới, đó là không chỉ tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, mà cần phải nâng cao hơn nữa kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, để đào tạo tốt hơn đối với các cơ sở giáo dục nói chung, và đối với chuyên ngành đào tạo luật nói riêng.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo đến từ các trường, cơ sở đào tạo ngành luật trong cả nước cũng đã thống nhất tiến tới xây dựng, góp ý xây dựng bộ “Khung chương trình đào tạo khối ngành luật Viên Nam”. Đây sẽ là cơ sở để việc đào tạo ngành luật trong nước ngày càng phát triển.
Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt nam được thành lập tháng 9.2019 với sự tham gia của hơn 50 trên tổng số 83 cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam. Mạng lưới là diễn đàn và môi trường để các trường đào tạo luật ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, cùng hợp tác phát huy thế mạnh, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực đào tạo pháp luật và cùng tham gia đóng góp ý kiến tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật cho các cơ quan nhà nước về lĩnh vực pháp luật và giáo dục, đào tạo pháp luật.
|
Bình luận (0)