Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trong các năm 2016, 2017 và 2018, tỷ lệ giữa vốn ngân sách nhà nước cấp so với tổng kinh phí của ĐH Quốc gia TP.HCM có xu hướng giảm dần về mức dưới 30%.
Trong đó, chi phí bình quân cho công tác đào tạo của ĐH này còn thấp so với mặt bằng chung (năm 2018 gần 28 triệu đồng/sinh viên). Đối chiếu với kinh phí bình quân cho một sinh viên ĐH tại Singapore khoảng 350 triệu đồng, có thể thấy rằng chi phí này chưa hoàn toàn tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ theo chủ trương của Chính phủ về ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học chiếm từ 20 - 25% tổng kinh phí cấp cho toàn hệ thống. Trung bình hằng năm mỗi cán bộ nghiên cứu ĐH này nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 16 triệu đồng/năm. Trong khi mỗi cán bộ nghiên cứu tại đây trong một năm đều có ít nhất 1 công bố bài báo trong và ngoài nước, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên trên bài báo công bố quốc tế ISI hoặc trong danh mục Scopus là 0.6. Tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), 1 cán bộ được đầu tư trung bình trong một năm là 4 tỉ đồng, gấp tới 250 lần.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết sẽ ghi nhận bất cập tồn tại còn liên quan đến một số luật theo hướng có cơ chế tự chủ tài chính để các đơn vị làm ra tiền và tiêu được tiền một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, thống nhất quan điểm ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư cho ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng và nghiên cứu khoa học. Riêng về cơ chế tự chủ tài chính, đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM có phương án cụ thể để giảm dần sự cấp phát của ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)