Nhận quà sẽ quan tâm hơn?
Ba mẹ tôi, cũng như đa số những phụ huynh khác thời đó, chỉ lo quần quật kiếm sống, không có thời gian hay thói quen để ý tới việc học hành, trường lớp, hay thầy cô của con cái.
Ngày nay thì khác, phú quý sinh lễ nghĩa, những phụ huynh khá giả hay tranh thủ mấy ngày lễ, tết, sinh nhật, ngày Nhà giáo Việt Nam để quà cáp, biếu xén cho thầy cô.
Có một ngàn lẻ một lý do vì sao phụ huynh tặng quà cho giáo viên của con em mình. Có phụ huynh tặng quà thầy cô để tỏ lòng biết ơn. Những phụ huynh và học sinh này thật sự yêu quý thầy cô, vì thầy cô đã yêu thương, tận tình dạy dỗ. Có phụ huynh muốn hỗ trợ vì thấy thầy cô còn khó khăn, chật vật về kinh tế nhưng vẫn âm thầm, miệt mài đứng lớp...
Cô họ tôi trước đây là giáo viên tiểu học. Một nách 4 con nhỏ, nên từ trường về tới nhà là cô lao vào bếp, cơm nước xong thì hướng dẫn con cái học hành. Gia đình cô còn nuôi bò sữa để cải thiện kinh tế. Đầu tắt mặt tối như vậy nên mỗi lần có phụ huynh đến thăm hỏi cô rất mệt mỏi, nhưng vì vị nể nên không thể đuổi khéo. Có phụ huynh biết điều ra về sớm nhưng cũng có phụ huynh cứ mải mê tám chuyện khiến cô phải thức tới 3 giờ sáng để chấm bài, soạn giáo án.
|
Có học sinh còn nhỏ xíu đã biết "chia tay đòi quà". Đó là lần một nam sinh lớp 1 đem cho cô trái ổi vườn nhà, đến khi bị cô la thì nam sinh này hét lên "Trả trái ổi đây!" làm cô cười ra nước mắt.
Cô lại kể có phụ huynh biết sức học của con em mình, đầu năm đến tặng quà, cuối năm xin nâng điểm cho con không được liền nhắc khéo. "Há miệng mắc quai" nên từ đó cô tôi "cạch", quyết liệt từ chối quà cáp của phụ huynh học sinh mình đang chủ nhiệm.
Nhưng hầu hết phụ huynh tặng quà là để thầy cô quan tâm đến con em mình hơn, tình cảm hơn, đối xử có phần đặc biệt, nương tay hơn.
Cho dù phụ huynh biếu xén cho thầy cô vì lý do gì đi nữa thì cũng sẽ ít nhiều tác động đến sự công tâm của thầy cô. Khi thầy cô nhận quà cáp của phụ huynh thì cho dù không cố ý, trong tiềm thức cũng sẽ ít nhiều thiên vị trong đối xử, đánh giá, không còn chí công vô tư.
Học sinh ngoan, siêng học là món quà lớn nhất cho thầy cô!
Thời tôi đi học, những năm 80 hiếm có chuyện quà cáp cho giáo viên nhưng những phụ huynh năng nổ tham gia công tác xã hội của trường thì con em thường được thầy cô ưu ái hỏi chuyện trong lớp. Tôi ít khi kể những chuyện không hay ở trường cho gia đình nghe, sợ làm ba mẹ buồn. Nhưng có những học sinh vốn bản tính vô tư, chuyện gì xảy ra ở trường cũng về nhà thuật lại vanh vách, sẽ gây áp lực cho phụ huynh, vì ai mà không muốn con em mình được thầy cô thương yêu.
Con của bạn tôi học trường quốc tế, ngày sinh nhật cô, bạn tôi tặng chai nước hoa 2 triệu đồng mà không một chút lăn tăn. Lý giải cho món quà "khủng" này, bạn tôi nói: "Kệ! Mình xài ít một chút tặng quà cho cô để cô vui, cô dạy con mình cả năm mà".
|
Hiện nay ở những thành phố lớn, trung bình một món quà "coi được" khoảng 500.000 đồng. Số tiền này cũng theo vật giá leo thang mỗi năm. Số tiền này có thể không là bao với những phụ huynh khá giả như bạn tôi nhưng cũng có thể là số tiền đáng kể đối với những phụ huynh khác. Khi mà tiền lương hằng tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, họ phải đắn đo cân nhắc xem có nên tặng cô để con mình bằng bạn bằng bè hay làm lơ, coi như bận quá nên quên…
Vì những lý do trên, nhiều trường cấm giáo viên nhận quà của phụ huynh. Nhưng tôi nghĩ quy định như vậy là quá cứng nhắc.
Trong khi thu nhập giáo viên còn thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, lại phải chịu nhiều áp lực về thành tích, lớp học quá tải, trang thiết bị thiếu thốn. Thì một chút quà mọn tỏ lòng biết ơn của phụ huynh, học sinh đối với thầy cô là một cử chỉ đẹp nên được khuyến khích.
Thay vì cấm đoán, nhà trường nên có quy định rõ ràng về quà tặng.
Thứ nhất, phụ huynh không nhất thiết phải quà cáp cho giáo viên nếu điều kiện không cho phép. Học sinh ngoan, siêng học là món quà lớn nhất cho thầy cô. Tôi có người bạn đang dạy ở một trường tiểu học bán trú, cũng như đa số thầy cô khác, không để tâm chuyện quà cáp của phụ huynh. Em nào bạn ấy cũng dạy cũng thương, mấy em nghèo khó còn được bạn ấy dạy thêm miễn phí và hỗ trợ sách vở.
Thứ hai, nếu phụ huynh vẫn muốn tặng quà thì giá trị món quà bao nhiêu là “coi được”? Con tôi học tiểu học ở Úc, cuối năm mỗi phụ huynh hùn 10 đô la Úc (một tô phở giá 13 đô) mua món quà mọn cho cô. Vì khoản đóng góp có giá trị nhỏ, không phụ huynh nào phải đắn đo, chần chừ.
Thứ ba, quà tặng của phụ huynh nên gom lại và chia đều cho tất cả nhân viên của trường bao gồm cả thầy cô môn phụ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh để tránh trường hợp giáo viên chủ nhiệm thì tươi cười kệ nệ bưng hàng giỏ quà trong khi những giáo viên, nhân viên khác cũng góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho các học sinh học tập, vui chơi an toàn, sạch sẽ thì lặng lẽ tay không ra về.
Thứ tư, phụ huynh và học sinh không nên đến nhà làm phiền thầy cô, để thầy cô có thời gian riêng cho gia đình. Mọi "giao dịch" nên thực hiện trong không gian nhà trường trong giờ làm việc.
Thầy cô không mong đợi gì hơn hai chữ "cảm ơn!"
Con tôi đi học nhà trẻ từ lúc 1 tuổi, rồi mẫu giáo, tiểu học và bây giờ đang học trung học nhưng tôi không hề biết địa chỉ hay số điện thoại của bất kỳ thầy cô nào. Ở Úc, đây là những thông tin riêng tư mà giáo viên và nhà trường không chia sẻ với phụ huynh hay học sinh. Nên không có chuyện phụ huynh tới nhà tỉ tê làm thân. Cô giáo của con tôi sinh em bé chỉ có đại diện ban giám hiệu tới thăm hỏi, phụ huynh hay học sinh không tham gia.
|
Cuối cùng, giáo viên không nên nhận quà của phụ huynh có con em còn đang theo học với mình để tránh tình trạng thiên vị. Nếu phụ huynh hay học sinh muốn bày tỏ lòng biết ơn, thì có thể đợi đến hết năm, lúc đó đến thăm thầy cô thì đúng là tình cảm không vụ lợi. Người cô họ của tôi sau khi nghỉ hưu vẫn có học trò cũ tới thăm, lì xì chút tiền cà phê. Cô rất cảm kích những tấm chân tình này.
Ở Úc, phụ huynh không có thói quen quà cáp cho giáo viên trong học kỳ. Quà cáp cá nhân bị xem là “hối lộ". Chỉ đến khi kết thúc năm học, để tỏ lòng biết ơn thầy cô, các phụ huynh cũng đóng góp mua món quà nhỏ, nhưng không phải phụ huynh nào cũng tham gia, đa số chỉ nói hai tiếng cám ơn rồi thôi, thầy cô cũng không mong đợi gì hơn.
Tục ngữ ta có câu "của cho không bằng cách cho" nên tặng quà như thế nào để không ảnh hưởng đến hình ảnh của thầy cô, để phụ huynh không phải đắn đo, để thầy cô cảm nhận được sự trân trọng của phụ huynh và học sinh là cả một nghệ thuật.
Bình luận (0)