Ngày Nhà giáo Việt Nam: Thầy cô 20 năm cưu mang, bồi dưỡng miễn phí học sinh nghèo

20/11/2019 19:45 GMT+7

Ở xã vùng núi Cư Drăm xa xôi, cô Lê Văn Thị Thanh Duyên và chồng là thầy Diệp Quốc Quang gần 20 năm qua đã cưu mang, bồi dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo ham học như chính con ruột của mình.

Dựng lều làm nơi ở tạm cho học sinh xa nhà 

Cùng tốt nghiệp khoa văn Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk năm 2002, được phân về công tác tại TP.Buôn Ma Thuột nhưng cô Duyên và thầy Quang đều tình nguyện xin về xã Cư Drăm - một trong những xã vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm hơn 90 km. Cũng từ đó, cô Duyên và thầy Quang đã nên duyên vợ chồng, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong hành trình gieo chữ nơi vùng sâu. Không những thế, họ còn cưu mang và bồi dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo.

Vợ chồng thầy Quang và cô Duyên tình nguyện về vùng khó khăn đã gần 20 năm nay

NVCC

 “Khi chọn học ngành sư phạm, tôi tâm nguyện sẽ đi bất cứ nơi đâu miễn là được đem kiến thức đến với các em học sinh. Trong hình dung của tôi trước khi nhận công tác thì Cư Drăm có khó khăn nhưng cũng không đến mức khiến tôi choáng ngợp đến thế. Sự hoang vu, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, giảng dạy đôi lúc cũng làm tôi lung lay ý chí...”, cô giáo Duyên nhớ lại.

Còn nỗi ám ảnh của thầy Quang là những ngày đông giá rét khi nhìn thấy học sinh của mình quần áo cũ rách không đủ ấm, vẫn chân trần đến trường. Nhiều em nhà cách trường vài chục cây số phải thức dậy từ tờ mờ sáng, đạp xe băng rừng, vượt suối dưới tiết trời mưa tầm tã, đường đất đá lởm chởm để tới trường rèn con chữ.

Trước tình cảnh ấy, thầy Quang đã chủ động đề xuất xin UBND xã Cư Drăm cấp cho bãi đất trống sát trường và phát động giáo viên trong trường, cùng đoàn viên, thanh niên trong xã lập những cái lán nhỏ bằng tre, lợp mái tranh để làm nơi ở tạm cho học sinh nhà xa. Mỗi khi mùa đông về, những chiếc lều tạm trở nên “bất lực”, các em phải đốt lửa sưởi ấm những đêm giá lạnh, nhưng vẫn chăm chỉ học bài.

Mở lớp bồi dưỡng học sinh miễn phí tại nhà

Điều đặc biệt là cả thầy Quang và cô Duyên đều rất thương những học trò giỏi có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn giúp các em phát huy năng lực của bản thân. Thương học trò, thầy Quang đã chủ động bàn với vợ mở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí tại nhà. Gần 20 năm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy Quang là nơi rèn luyện tri thức của nhiều thế hệ học sinh.

Thầy Quang trong một giờ lên lớp

NVCC

Đời sống khó khăn, lo cái ăn còn chưa đủ nên người dân nơi đây không có thời gian để quan tâm đến việc học hành của con cái. Thương các em, tôi thấy học sinh nào học nhỉnh hơn một chút là chọn vào đội tuyển và ra sức bồi dưỡng, rèn giũa. Không chỉ bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các em tham gia cọ xát ở các kỳ thi học sinh giỏi, vợ chồng tôi còn theo sát, định hướng con đường học tập của các em”, thầy Quang bày tỏ.

Bước chân vào căn nhà nhỏ của cặp vợ chồng trẻ, tài sản không gì nhiều bằng bàn học. Hơn chục học trò, có em chỉ mới lên lớp 6, có em đã học lớp 12, mỗi em ngồi một góc chăm chỉ học bài. Thầy cô tận tình đến kiểm tra bài vở của từng học sinh đến tận khuya. Chính từ lớp học này, đã có những học sinh đậu trường chuyên của tỉnh và trở thành sinh viên các trường đại học danh tiếng.

Anh Nguyễn Văn Vũ, phụ huynh học sinh theo học lớp bồi dưỡng của thầy Quang và cô Duyên, chia sẻ: “Nhà nghèo, rất may là hai cô con gái của tôi được thầy Quang, cô Duyên nhận bồi dưỡng từ năm học THCS, tạo điều kiện cho các cháu tham gia nhiều cuộc thi từ huyện đến tỉnh và định hướng con đường học tập của con. Hiện tại, cháu lớn tôi đang học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cháu thứ hai hiện học lớp 11 tại Trường THPT chuyên Nguyễn Du”.

Như người mẹ hiền

Đặng Uyển Vy, cựu học sinh Trường THCS Cư Drăm, hiện là sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại thương, tâm sự: “Em có được ngày hôm nay là cũng nhờ sự giúp đỡ, dẫn dắt của thầy cô. Rất hiếm có thầy cô nào đã dạy không công mà còn nuôi học sinh ăn ở cả mấy năm trời như vợ chồng thầy Quang, cô Duyên cả. Em vẫn nhớ những ngày ở nhà thầy cô, bọn em thương nhau như chị em trong nhà, còn cô thì tận tụy nấu từng bữa cơm, giặt từng cái quần cái áo cho học trò như người mẹ hiền”.

Thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Drăm, cho biết: “Thầy Quang, cô Duyên là một cặp vợ chồng hiếm thấy, vừa hoàn thành tốt công việc chuyên môn, vừa có tấm lòng nhân hậu, thương yêu học sinh hết mực. Trong nhiều năm qua, cả hai người đã đạt nhiều thành tích trong dạy học cấp huyện và tỉnh, tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào và trở thành tấm gương giáo dục của tỉnh”.

Những bữa tiệc nồng ấm của cô và trò

NVCC

Gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó, hai vợ chồng thầy Quang đã có một tài sản vô giá là hơn 40 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, hàng chục học sinh đã trở thành sinh viên các trường đại học uy tín trong cả nước. Hạnh phúc hơn, dù đi xa, các em vẫn luôn nhớ về thầy cô giáo đã chăm lo, bồi đắp ước mơ muốn vượt khó, thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. 

Tạm biệt ngôi nhà nhỏ tíu tít tiếng cười của thầy Quang, cô Duyên, những cơn mưa vẫn không ngừng trút xuống, từng cơn gió lạnh vẫn rít lên từng hồi, nhưng tôi thấy lòng mình ấm lạ, bởi tấm lòng của những thầy cô giáo lặng lẽ, hằng ngày cưu mang, bồi dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học nơi miền núi cao còn nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.