Nghịch lý trong giáo dục

15/10/2015 08:05 GMT+7

Khó có thể tin vào thời điểm này, ngay tại một trong những đô thị như TP.Biên Hòa (Đồng Nai) lại vẫn tồn tại những trường tiểu học dạy ca 3 như mấy chục năm về trước. Càng khó hình dung hơn để giải quyết tình trạng này, học sinh phải chuyển đến học trong... trường đại học. Những nghịch lý như vậy không phải ít và nó cho thấy một nền giáo dục có vấn đề.

Khó có thể tin vào thời điểm này, ngay tại một trong những đô thị như TP.Biên Hòa (Đồng Nai) lại vẫn tồn tại những trường tiểu học dạy ca 3 như mấy chục năm về trước. Càng khó hình dung hơn để giải quyết tình trạng này, học sinh phải chuyển đến học trong... trường đại học. Những nghịch lý như vậy không phải ít và nó cho thấy một nền giáo dục có vấn đề.

Giai đoạn 2000 - 2010 số HS các bậc học giảm mạnh - khoảng 3 triệu HS, đặc biệt ở bậc tiểu học. Nhưng vài năm gần đây tình hình đã thay đổi, số HS bậc THCS chỉ giảm nhẹ, THPT giảm nhiều hơn, đặc biệt bậc tiểu học tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT công bố vào đầu năm học mới này, HS phổ thông và mầm non mỗi bậc tăng 180.000 so với năm học trước đó.
Lẽ ra với đà tăng HS, đặc biệt ở cấp tiểu học, ngành giáo dục các cấp và lãnh đạo địa phương phải có những kế hoạch chủ động trong việc xây dựng trường lớp. Thế nhưng thực tế, cũng theo Bộ, năm học này toàn quốc giảm 60 trường tiểu học, THCS giảm 4 trường so với năm trước. Trong khi đó, HS bậc THPT giảm nhiều hơn thì số trường lại tăng. Ở các thành phố lớn, địa phương có nhiều khu công nghiệp còn gặp vấn đề tăng dân số cơ học nên số HS, đặc biệt ở các bậc mầm non hay tiểu học, cũng tăng theo. Hậu quả là thiếu trường khiến sĩ số HS tăng mạnh, vượt rất xa quy định; thậm chí nhiều nơi như TP.Biên Hòa phải tổ chức học ca 3.
Ở hướng ngược lại, liên tiếp nhiều năm, đặc biệt trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH không tuyển sinh được dẫn đến nguy cơ đóng cửa vì thiếu người học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Theo phân tích của các chuyên gia, việc nâng cấp, thành lập mới ồ ạt nhiều trường ĐH trong khi số lượng HS tốt nghiệp THPT, thí sinh thi ĐH ngày càng giảm là một trong những lý do chính khiến trường ĐH không tuyển sinh được.
Năm 2013, cả nước có 946.064 HS thi tốt nghiệp THPT, năm 2015 chỉ còn 871.935. Số thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ hằng năm cũng giảm. Năm 2011 - 2015 từ gần 1,7 triệu thí sinh đăng ký dự thi xuống còn 1 triệu. Nguồn tuyển giảm mà chỉ tiêu ĐH, CĐ lại tăng lên hằng năm. Thống kê của Bộ cho thấy trong 10 năm chỉ tiêu phình lên gấp 3 - 4 lần. Chẳng hạn năm 2005, nguồn tuyển nhiều gấp 6,5 lần so với chỉ tiêu ĐH thì năm nay con số này chỉ còn 1,52. Tuy số HS và thí sinh giảm nhưng số lượng trường ĐH lại tăng nhanh chóng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2003 có 214 trường ĐH, CĐ thì đến năm 2013 là 427. Năm học 2015 - 2016, theo thống kê của Bộ có 217 trường CĐ (tăng 3 trường), 219 trường ĐH (tăng 5 trường). Tại TP.Biên Hòa trong vòng vài năm trở lại đây, hàng loạt trường ĐH, CĐ đã được nâng cấp, dẫn đến tỉnh Đồng Nai có 5 trường ĐH, 3 trường CĐ. Do bị chia sẻ thí sinh, năm học này các trường ĐH, CĐ ở đây đều không tuyển đủ chỉ tiêu.
Thế nên mới có nghịch lý HS tiểu học học ở trường ĐH.
Những nghịch lý tương tự như vậy trong giáo dục không phải ít. Chẳng hạn trong khi các trường TCCN, TC nghề, CĐ “thoi thóp” vì nhiều năm nay không tuyển sinh được thì bậc học này lại bùng nổ trong nhiều trường ĐH. Thậm chí ở nhiều trường ĐH số người theo học các bậc này chiếm đa số. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều trường ĐH tìm cách thu hút người học bằng cách quảng bá tuyển sinh “CĐ thực hành” - một bậc học không có tên gọi chính thức trong các văn bản pháp quy.
Kêu gọi tự chủ, đổi mới cách quản trị, tiến hành phân tầng, tăng học phí nâng cao chất lượng... là nhằm thay đổi diện mạo giáo dục ĐH cho tiệm cận với thế giới. Thế nhưng có những điều rất nhỏ, là hình ảnh bình thường của một trường ĐH, nhưng không thấy thay đổi. Chẳng hạn có bao nhiêu trường ĐH ở VN hiện nay có được một chỗ ngồi làm việc cho giảng viên trong trường?
Để những đổi mới ở tầm vĩ mô có hiệu quả, nên bắt đầu thay đổi từ những điều sát sườn nhất của giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.