Trong khi Bộ GD-ĐT hồ hởi trình làng trước dư luận những điểm ưu việt của một chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ thực hiện trong 3 năm nữa thì ở nhiều địa phương, năm học mới đã bắt đầu từ lâu mà vẫn còn ngổn ngang những mối lo tồn tại từ mấy chục năm qua.
Khó ai cầm lòng được trước lớp học mầm non không thể tạm bợ hơn ở thôn Kon Linh, xã Đăk Hà, H.Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Càng không thể yên lòng trước thông tin đầu năm học 2015 - 2016 tỉnh này có khoảng 40% HS thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số còn thiếu sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập. Với những ai mấy mươi năm trước trải qua những buổi trưa nắng gắt xếp hàng vào lớp học ca 3 không thể ngờ rằng qua từng ấy thời gian, biết bao thay đổi mà giờ đây có nơi HS vẫn còn nếm trải nhọc nhằn này.
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới đây vẫn giữ quy định sĩ số 35 HS/lớp. Tuy nhiên, thực tế ở hầu hết các địa phương, đặc biệt ở các thành phố lớn, con số này chỉ là ước vọng. Phần lớn đều trên 40, thậm chí trên 50 - 60, cá biệt như ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) có trường lên đến 70 HS/lớp. Số lượng HS tăng vọt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM do tăng dân số cơ học ngày một trầm trọng. Năm học mới này, TP.HCM tăng 85.000 HS, Hà Nội tăng gần 76.000 so với năm học trước, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học do người nhập cư và tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Dù các địa phương này đều đã đầu tư xây dựng trường lớp mới nhưng không thấm gì so với số lượng HS tăng chóng mặt. Không những sĩ số HS/lớp vượt quá cao so với quy định mà điều này còn phá vỡ nỗ lực HS tiểu học được học 2 buổi/ngày của các địa phương. Theo lộ trình, năm học này sẽ có 100% HS tiểu học TP.Đà Nẵng học 2 buổi/ngày nhưng đến nay, theo lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương này, may ra đến năm học tới mới có thể thực hiện được! Ở TP.HCM, nhiều quận, huyện buộc phải giảm tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày để ưu tiên cho HS có chỗ học.
Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu sách giáo khoa…, những điều này xảy ra từ năm này sang năm khác mà không biết đến bao giờ mới kết thúc. Sự thiếu hụt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Giống như cảnh gia đình nghèo khó, thiếu trước hụt sau, chạy ăn từng bữa còn chưa được thì làm sao nghĩ đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp!
Vì thế, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển tối đa tiềm năng của từng HS; phát triển những phẩm chất tốt đẹp, năng lực cần thiết cho HS; dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa... tuy là điều bắt buộc phải hướng đến nhưng trước hết cần giải quyết những tồn tại cơ bản mà giáo dục VN đang gặp phải. Nếu không, sự đổi mới này khó lòng diễn ra thuận lợi và sẽ khiên cưỡng.
Vấn đề là dù hằng năm Bộ GD-ĐT vẫn công bố số lượng HS, sinh viên tăng giảm nhưng không hiểu để làm gì khi mà trường, lớp vẫn thiếu? Còn lãnh đạo các địa phương không hiểu vì sao năm nào cũng rơi vào thế bị động, lúng túng vì HS tăng dẫn đến thiếu chỗ học?
Bình luận (0)