Có địa phương có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp, có những trường chỉ lấy điểm chuẩn hơn 1 điểm mỗi môn vẫn trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Ngược lại, có địa phương, chẳng hạn như Hà Nội, điểm chuẩn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) là 53,3 điểm, như vậy phải đạt xấp xỉ 9 điểm/môn (văn + toán) x 2 + (tiếng Anh + lịch sử) thí sinh mới vào được ngôi trường này.
Theo nhiều thầy cô, điểm chuẩn phản ảnh đúng chất lượng dạy và học ở các nhà trường nhưng điểm chuẩn đầu vào thấp như các trường nói trên thì học sinh có đảm bảo được việc tiếp thu kiến thức mới hay không là nỗi lo của thầy cô các trường THPT và của phụ huynh.
Vấn đề đặt ra là giáo dục thực chất sẽ thế nào khi chất lượng đầu vào quá thấp như vậy và tại sao chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh THPT kiểu “vơ bèo vạt tép” trong khi đó nhiều em điểm cao vẫn rớt?
Để giải quyết nghịch lý điểm thi thấp lại đậu, nhưng điểm cao lại rớt như nói ở trên trong tuyển sinh vào lớp 10, nên chăng các địa phương cần bỏ điểm chuẩn trong tuyển sinh, nên định ra một mức điểm sàn tối thiểu để đảm bảo chất lượng, ngưỡng đầu vào tương đối chấp nhận được.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 cũng không nên căn cứ vào chỉ tiêu, số phòng học, định biên giáo viên, không nên chạy theo số lượng tuyển sinh cho đủ… để tuyển sinh mà căn cứ vào chất lượng học của học sinh là chính. Đối với những học sinh có điểm chuẩn thấp sau thi tuyển nên để các em học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề… là hợp lý.
Hầu hết hiện nay các địa phương vẫn tiến hành phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập bằng thi tuyển và dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh để định điểm chuẩn nên dẫn đến có trường điểm chuẩn rất cao, nhưng có trường điểm chuẩn quá thấp như nói trên. Nên chăng chỉ tổ chức thi tuyển đối với các trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn số thí sinh đăng ký là 30%. Còn những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc cao hơn số thí sinh đăng ký thì nên thực hiện xét tuyển là phù hợp.
Bình luận (0)