Nghiên cứu khoa học nhưng không… 'bán' được

02/10/2017 09:32 GMT+7

Số lượng các nghiên cứu từ trường ĐH được chuyển giao công nghệ và thương mại hóa rất ít ỏi. Trong đó nhiều nghiên cứu không 'bán' được vì thiếu tính thực tiễn.

Phát biểu trong hội thảo về xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường ĐH, CĐ vừa qua, ông Lê Minh Khánh, Phó cục trưởng Cục Công tác phía nam (Bộ Khoa học và công nghệ), cho biết cả nước hiện có hơn 400 trường ĐH và CĐ với trên 84.000 giảng viên, nhưng số lượng sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao công nghệ và thương mại hóa rất ít.
Tổn hao ngân sách
Ông Khánh cho biết số liệu thống kê từ sàn giao dịch chuyển giao công nghệ cho thấy sự tham gia chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 80%), trường ĐH và viện nghiên cứu chỉ chiếm chưa tới 10%.
Nếu chỉ tính riêng tại TP.HCM, số lượng đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích từ năm 2014 đến hết quý 2 năm nay cũng không đáng kể. Trong số 491 đơn đăng ký sáng chế chỉ có trên 10% được cấp văn bằng bảo hộ. Còn trong 256 giải pháp hữu ích có đơn đăng ký thì chỉ 35% được cấp văn bằng bảo hộ. Ông Khánh cho rằng con số này quá ít ỏi và chưa tương xứng với nguồn nhân lực, trí tuệ sẵn có của các trường ĐH và viện nghiên cứu.
Ông Khánh nói thêm: “Các trường ĐH còn coi nhẹ việc nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu mà hoạt động sản xuất kinh doanh thực tiễn đang cần. Các đề tài nghiên cứu hiện nay cũng chủ yếu dựa trên sự hiểu biết của bản thân”. Theo ông Khánh, nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng các nghiên cứu mới dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, khi áp dụng vào thực tiễn còn nhiều hạn chế. Điều này còn dẫn đến việc thiếu hụt các đề tài giá trị thực tiễn, có những đề tài triển khai bị trùng lặp dẫn đến tổn hao ngân sách nhà nước.

tin liên quan

Khóa luận tốt nghiệp sao chép đến 99%
Các thành viên một hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp ĐH đã từng phát hiện một luận văn sao chép tới 99% nội dung của một sinh viên khóa trước đó, chỉ thay đổi họ tên người hướng dẫn, họ tên mình.
Ông Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng thông tin trong khi trên thế giới có tới trên 80% sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật được đưa ra thị trường đều xuất phát từ các trường ĐH thì ở VN con số này chưa nhiều. Ông Quyền cho biết hoạt động chuyển giao công nghệ của ĐH Quốc gia TP.HCM mỗi năm đạt khoảng trên 200 tỉ đồng nhưng trong đó chỉ khoảng 12 - 20% thực sự là hoạt động chuyển giao công nghệ.
Nhà khoa học không muốn theo đường chính thống
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quyền, việc yêu cầu nhà khoa học phải có sản phẩm là thiếu thực tế. Ông Quyền phản biện: “Chúng ta đang hiểu không đúng khi yêu cầu nhà khoa học phải có sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ngay vào trong thực tế. Trong khi muốn như vậy thì chính doanh nghiệp phải cùng với nhà nghiên cứu tham gia từ đầu hoặc một công đoạn nào đó của quá trình này. Sau đó doanh nghiệp còn phải tham gia vào quá trình vận hành sản phẩm này vào thực tế như tính bài toán kinh tế hiệu quả đầu tư”.
Ông Quyền cho biết rất ít doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu cho trường với sự đầu tư lâu dài 5 - 10 năm cho một nghiên cứu. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, trung bình mỗi năm cũng chỉ nhận đề xuất đặt hàng của 2 - 3 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Quyền cũng cho rằng còn có mâu thuẫn ngay trong chính các trường ĐH. “Doanh thu 200 tỉ đồng chỉ là hoạt động chuyển giao bằng con đường chính thống, thực tế còn nhiều nghiên cứu khác được chuyển giao bằng cách khác. Nhà khoa học không muốn làm theo con đường chính thống vì phải qua nhiều thủ tục. Phía trường ĐH bị mất hoàn toàn bản quyền các sản phẩm này nhưng chưa có cơ chế quản lý”, ông Quyền nói.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng cho biết tổng doanh thu của trường từ việc chuyển giao công nghệ không đáng kể nhưng chuyển giao từ đội ngũ của trường thì không ít. Bởi lẽ các giảng viên “cứng” có thể tự thực hiện nghiên cứu và chuyển giao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp bên ngoài. Số lượng sản phẩm có thể đưa ra thị trường bằng con đường này khá nhiều, có những giảng viên giàu lên từ đó.
Để doanh nhân giỏi tham gia giảng dạy ĐH
PGS-TS Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận giảng viên thường chọn hướng nghiên cứu cơ bản hơn là ứng dụng. Ông Phong cho rằng giảng viên cần chủ động nắm bắt hơn nữa yêu cầu thực tế đời sống để nghiên cứu thực tiễn hơn. Về mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà trường, theo ông Phong, còn lỏng lẻo và đôi lúc một chiều. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cần có vai trò điều phối của nhà nước.
Còn ông Lê Minh Khánh thì cho rằng cần có giải pháp đồng bộ. Theo đó, nhà nước có chính sách và chế độ đãi ngộ cụ thể trong luân chuyển cán bộ giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực hàn lâm. Cụ thể là cho phép cán bộ nghiên cứu, giảng viên tính giờ làm việc tại doanh nghiệp quy đổi ra giờ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời cho phép trường ĐH, viện nghiên cứu được nhận doanh nhân giỏi vào giảng dạy ở trình độ ĐH và sau ĐH mà không yêu cầu học hàm, học vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.