'Người mở đường' cho các nhà nghiên cứu trẻ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
07/04/2019 10:16 GMT+7

TS Nguyễn Đức Thành, giảng viên Đại học Connecticut (Mỹ), được Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ tôn vinh là “Người mở đường” cho các nhà nghiên cứu trẻ, một trong những kỹ sư trẻ xuất sắc nhất thế giới do có nhiều sáng chế trong lĩnh vực y sinh.

Hiện TS Thành đứng đầu một nhóm nghiên cứu tại Đại học Connecticut và được đánh giá là một trong số không nhiều nhà khoa học trẻ có đầy đủ tố chất để trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị y sinh. Anh cũng được tôn vinh là Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi về hành trình nghiên cứu khoa học của anh.

Học vật lý nhưng đam mê y sinh

Các bạn nghiên cứu trẻ hãy say sưa hết mình để làm nghiên cứu, chắc chắn sẽ có thành công. Một cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra
 
Tốt nghiệp đại học với chuyên ngành về vật lý, cơ duyên nào đưa anh đến với nghiên cứu khoa học về lĩnh vực y sinh?
Sau khi học xong hệ tài năng vật lý ứng dụng ở ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi có một vài lựa chọn làm trong lĩnh vực công nghiệp và gần như đã chấp nhận làm cho một công ty nước ngoài về điện tử. Tuy nhiên, khi sắp sửa đi làm, tôi cảm nhận được là mình muốn làm nhiều thứ hơn là đến cơ quan và về nhà đúng giờ và công việc chỉ là đơn giản thay đổi một điều gì đó nho nhỏ từ những sản phẩm có sẵn. Có lẽ sự đam mê để có thể tự do sáng tạo, làm ra những thứ hoàn toàn mới chưa có ai từng làm và có sức ảnh hưởng to lớn trong tương lai lâu dài, làm tôi muốn trở thành một nhà khoa học hơn.
Giữa 2 lĩnh vực anh theo đuổi là kỹ sư chế tạo và y học có khoảng cách rất xa. Tại sao anh lại có thể kết nối?
Sau những năm tháng học kỹ thuật ở ĐH Bách khoa và kiến thức sinh học ít ỏi của mình từ thời kỳ học phổ thông, sự thật tôi chỉ có một thứ duy nhất vào lúc đó là sự đam mê được nghiên cứu, được đem những kiến thức kỹ thuật và vật lý ứng dụng cho những mục đích y học. Sự đam mê cũng được nuôi cấy từ những ngày tôi còn nhỏ vì ba mẹ tôi đều là bác sĩ, và sau những câu chuyện xung quanh bữa cơm gia đình, cũng như những lần đến thăm bệnh viện và cơ quan của ba mẹ, tôi nhận thức được những gì thuộc về sức khỏe của con người có tầm ảnh hưởng và sự quan tâm đặc biệt to lớn trong xã hội.
TS Nguyễn Đức Thành
Tôi cũng nhận thức được có một khoảng cách rất lớn giữa y khoa và kỹ thuật. Kỹ sư thường có ít kiến thức về y học và nhận thức được những gì bệnh nhân cần, trong khi bác sĩ có thể hiểu được bệnh nhân và căn bệnh nhưng không biết nhiều về kỹ thuật và công nghệ. Những yếu tố này đã thôi thúc tôi lựa chọn lĩnh vực y sinh và công nghệ y sinh khi quyết định đi du học ở Mỹ. Chọn lựa theo con đường này tôi chấp nhận học và tiếp thu một lượng lớn kiến thức từ những lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, nhưng áp lực ấy cũng làm cho tôi trở nên thích thú và say mê hơn với những gì mình đã chọn.

“Cấy” vi điện tử vào thuốc

Những nghiên cứu của anh được đánh giá là đã tạo ra các sản phẩm có giá trị thiết thực và to lớn cho cộng đồng. Anh tâm đắc nhất với công trình nào của mình?
Hai trong những kết quả mà tôi tâm đắc nhất là công trình nghiên cứu về vắc xin và thiết bị đo nội áp có khả năng tự tiêu bên trong cơ thể con người.
Vào thời điểm tôi bắt đầu nghiên cứu sau tiến sĩ, ở châu Phi và các nước đang phát triển có sự xuất hiện trở lại của những đại dịch như: Ebola, Polio (bệnh bại liệt trẻ em), bệnh cúm... rất nguy hiểm. Mấu chốt của vấn đề là ở những nước đang phát triển như châu Phi (hay cả ở các vùng sâu, vùng xa của VN), hằng tháng người dân không thể mang con em của mình vượt hàng chục ki lô mét đến các cơ sở y tế tiêm những mũi vắc xin nằm trong liệu trình, dẫn tới việc các bệnh dịch lớn không thể hoàn toàn xóa bỏ. Tổ chức từ thiện của Bill Gates đã tài trợ cho nghiên cứu của tôi ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) để tạo ra một loại vắc xin, chỉ cần 1 lần tiêm (ngay khi trẻ ra đời). Đặc biệt, vắc xin này có thể tự động nhả thuốc ở những thời điểm khác nhau, không cần phải đưa trẻ quay lại trung tâm y tế hằng tháng để tiêm phòng. Với nền tảng kiến thức vi điện tử, tôi đã nghĩ đến một phương án mới, ứng dụng công nghệ sản xuất chip máy tính để chế tạo những hạt vắc xin nhỏ, bằng vật liệu chỉ y khoa tự tiêu. Chỉ cần 1 lần tiêm duy nhất, những hạt vắc xin này sẽ tự động nhả vắc xin ở những thời điểm khác nhau theo mong muốn, và kích thích được sự miễn dịch trên cơ thể (đã thử nghiệm thành công đối với chuột).
TS Nguyễn Đức Thành trong phòng thí nghiệm
Công trình thứ hai là chuyển đổi vật liệu dùng trong y học thành những vật liệu “thông minh” sử dụng cho những ứng dụng trong y khoa. Khi bắt đầu công việc ở Đại học Connecticut vào năm 2016, tôi nhận ra rằng, những vật liệu dùng cho chỉ tự tiêu có thể được xử lý để trở thành những vật liệu “thông minh” có khả năng tự chuyển đổi những áp suất cơ học thành tín hiệu điện (tức là vật liệu điện áp). Tôi nảy ra ý tưởng có thể sử dụng những vật liệu này để chế tạo những cảm biến điện tử, có khả năng tự tiêu. Những thiết bị này có thể cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân và truyền tín hiệu ra bên ngoài thông qua công nghệ không dây, và đặc biệt là có khả năng tự tiêu hủy. Điều này vô cùng quan trọng vì cảm biến này sẽ không cần thêm lần phẫu thuật nào khác để lấy ra, gây nguy hiểm cho người bệnh giống như những cảm biến điện tử thông thường. Ý tưởng này đã được tôi và nhóm nghiên cứu hiện thực hóa.

Tuổi trẻ và nhiệt huyết có thể làm được nhiều thứ

Thành công với các giải thưởng quốc tế danh giá, anh có chia sẻ kinh nghiệm gì cho các nhà nghiên cứu trẻ?
Các giải thưởng đều ghi nhận những cố gắng và là động lực to lớn đối với người làm khoa học để tiếp tục phấn đấu và phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Sau tất cả giải thưởng ấy, có lẽ ai làm khoa học cũng hiểu là có rất nhiều áp lực mà một người làm nghiên cứu phải trải qua. Những lúc phải lặp đi lặp lại nhiều lần một thí nghiệm mà vẫn thất bại, kết quả nghiên cứu không như mong đợi hay không theo những gì mình dự đoán, áp lực về thời gian để hoàn thành đúng tiến độ... Thất bại trong nghiên cứu hầu như không thể đếm hết. Nhưng trên hết, sự kiên định và niềm vui để học thêm những điều mới từ những thất bại ấy, cuối cùng làm nên những kết quả tốt, dù không hoàn toàn theo dự đoán ban đầu. Giải thưởng sẽ đến như một hệ quả. Các bạn nghiên cứu trẻ hãy say sưa hết mình để làm nghiên cứu, chắc chắn sẽ có thành công. Một cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Khi được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018, anh có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ VN?
Tôi rất vinh dự nhận giải thưởng này. Hy vọng các bạn trẻ có thể thấy với tuổi trẻ và nhiệt huyết, mình có thể làm được nhiều thứ. Từ một học sinh hầu như không có kiến thức về sinh học và y học, hiện nay tôi có thể tham gia nghiên cứu sâu về những lĩnh vực công nghệ y sinh đầy thú vị này. Chỉ cần đam mê. Đam mê là điều quan trọng nhất để dẫn tới thành công trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, khi mà thành tựu to lớn chỉ đến từ những kết quả nhỏ, thu hoạch được mỗi ngày, trong từng bước và giai đoạn nhỏ của quá trình nghiên cứu. Luôn luôn đam mê, kiên trì, khiêm tốn để học hỏi, không ngừng tò mò để mở rộng kiến thức cho bản thân, và đặc biệt là sự chăm chỉ làm việc hết mình là yếu tố quan trọng để có thể thành công trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu.
Xin cảm ơn anh!
TS Nguyễn Đức Thành sinh năm 1984 tại Đà Nẵng; tốt nghiệp hệ kỹ sư tài năng ngành vật lý của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận học bổng của Quỹ giáo dục VN - Mỹ (VEF) để học tiến sĩ tại ĐH Princeton (Mỹ), sau đó làm sau tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Hiện anh là trợ lý giáo sư, giảng viên và đứng đầu một nhóm nghiên cứu tại ĐH Connecticut (Mỹ).
Những nghiên cứu của anh tập trung về công nghệ chuyển đổi vật liệu y khoa thành vật liệu “thông minh” và công nghệ truyền tải thuốc an toàn. Các nghiên cứu này đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới như Science, PNAS... và được The New York Times, The Guardian, BBC... dẫn lại. Anh được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng "Người mở đường" cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, giải thưởng dành cho 1 trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc nhất trên thế giới của Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ (SME); được MIT chọn là 1 trong 10 nhà đổi mới hàng đầu dưới 35 tuổi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Mang lại niềm tự hào cho quê hương VN

Ảnh: NVCC
Tôi thực sự ấn tượng với cách thức TS Thành tiếp cận nghiên cứu và giải quyết các vấn đề hóc búa nhất của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền tải thuốc an toàn, hiệu suất cao và công nghệ cảm biến sinh học thông minh mà nhóm nghiên cứu của TS Thành đã phát minh, được cộng đồng khoa học thế giới vinh danh trong thời gian gần đây.
Tôi có dịp đến thăm trường và phòng thí nghiệm nơi TS Thành làm việc. Tôi rất ấn tượng với cách thức TS Thành phát triển nhóm nghiên cứu, cách quản lý nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên rất chuyên nghiệp, hiệu quả. Khi trao đổi với tôi, GS Horea T.Ilies - Trưởng khoa Kỹ thuật cơ khí - rất tự hào khi nhận xét về TS Thành rằng: Anh là một trong số không nhiều các nhà khoa học trẻ có đầy đủ tố chất để trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị y sinh trong tương lai. Nghe ông nói mà tôi cảm thấy "sướng" và tự hào về Thành, về những người Việt trẻ như Thành, đã và đang mang lại niềm tự hào cho quê hương VN. Tôi biết, để có được những thành công như hôm nay, TS Thành đã nỗ lực phấn đấu không ngừng. Với tôi, TS Thành là một hình mẫu xuất sắc, một tấm gương sáng cho các bạn trẻ VN noi theo.
GS-TS Phan Mạnh Hưởng, giảng viên Trường ĐH Nam Florida, Mỹ

Điển hình nên học tập

Ảnh: NVCC
Một điều rất thú vị về TS Thành là khả năng xây dựng hệ thống nghiên cứu liên ngành. TS Thành đã tổ chức nhóm Nguyen Research Group với các thành viên đến từ nhiều nước, tập trung vào nghiên cứu vật liệu sinh học và công nghệ nano. Thành và nhóm nghiên cứu của anh đã tham gia nhiều dự án với Bộ Khoa học - Công nghệ nhằm chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho VN. Và dù rất xuất sắc, khi được ngỏ ý đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu, Thành đã nhiều lần từ chối với lý do nên để cho các bạn trẻ có nhiều cống hiến khác. Hội Thầy thuốc trẻ VN vẫn giữ nguyên ý kiến đề cử Thành vì chúng tôi nhìn nhận, đây là điển hình mà các nhà khoa học trẻ VN nên học tập - có năng lực, trình độ, thành công nhưng luôn hướng về đất nước.
Thạc sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ VN

Rất giản dị và nghị lực

Ảnh: NVCC
Tôi học cùng với TS Thành thời phổ thông và nhận thấy Thành rất thông minh, làm việc rất kiên trì, tập trung, cần cù, chịu khó. Thành học giỏi môn vật lý và say mê, có thể nói chuyện hằng ngày về môn học đó. Năm lớp 12, Thành tham gia nhóm giúp đỡ các bạn yếu môn vật lý và chỉ bảo rất tận tình. Đặc biệt, Thành rất giản dị và nghị lực. Bố Thành mất sớm từ thời Thành học phổ thông, nhưng Thành đã lặng lẽ vượt qua nỗi đau và dường như không cần tới sự trợ giúp của mọi người. Thành lại còn hát hay, đá bóng giỏi, luôn là tiền đạo số 1 của trường trong các giải đấu. Thành luôn là động lực cho chúng tôi học hỏi, trong công việc và cuộc sống.
TS-KTS Lê Phong Nguyên, giảng viên Khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.