Mới đây, anh là 1 trong 3 nhà khoa học được Bộ Khoa học - Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018.
Khi còn là sinh viên, như bao bạn bè cùng lớp, mục tiêu của Tuấn là sẽ giành được học bổng du học ở Nhật, châu Âu hay ở Mỹ - nơi các du học sinh VN có cơ hội học tập và nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH tên tuổi. Thế nhưng sự nghiệp của Tuấn lại bất ngờ rẽ sang một hướng khác.
“Năm 2008, tình cờ có đoàn giáo sư của Đài Loan sang giao lưu với trường mình và giới thiệu mình nộp hồ sơ đi du học Đài Loan. Thời điểm đó, trong lớp có một số bạn đã đi du học, mình vì sốt ruột muốn đi nên nộp đại hồ sơ, không ngờ trúng thật và theo học ở ĐH Chiao Tung”, tiến sĩ (TS) Tuấn nhớ lại.
Khi sang Đài Loan, Tuấn được thầy hướng sang lĩnh vực hoàn toàn mới là vũ trụ học, khác hẳn với ngành vật lý lý thuyết đã học ở VN. Ban đầu có một chút khó khăn bởi gần như trong đầu Tuấn chưa có chút kiến thức nào về vũ trụ học. Đã có lúc chàng sinh viên VN dao động, không biết vấn đề này có nghiên cứu được hay không, sau này mình có thể làm được gì? Phải mất một thời gian dài, anh mới có thể tiếp cận và thích nghi được với môi trường mới.
tin liên quan
Nữ tiến sĩ 8x phát hiện cách trị bệnh 'thế giới chưa có thuốc chữa'Càng nghiên cứu Tuấn càng thấy lĩnh vực này hấp dẫn, và cứ thế anh học một mạch 7 năm từ thạc sĩ chuyển tiếp lên TS tại Đài Loan mà không còn có ý định đi học tiếp ở nước khác như ban đầu.
TS Tuấn chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp mọi người hiểu biết sâu sắc hơn về sự hình thành và phát triển của vũ trụ, về nguồn gốc con người sinh ra từ đâu, đến từ đâu; trái đất hình thành như thế nào...”.
Để giải thích được các hiện tượng thực tế, anh Tuấn đi sâu vào đề tài lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng. Đây là một chủ đề nghiên cứu thời sự trong vật lý và thiên văn học, tìm lời giải cho bài toán hằng số vũ trụ và năng lượng tối. Tuấn cho biết trong vũ trụ học, năng lượng tối được cho là nguyên nhân gây ra sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ.
Các ý tưởng về hướng nghiên cứu được khởi tạo khi anh Tuấn đang là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý (Đài Loan). Tuy nhiên, khi đó không có đủ thời gian do anh tập trung viết luận án tiến sĩ. Đến năm 2016, khi quay trở về VN làm giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, anh mới bắt tay vào việc hoàn thiện công trình “Higher dimensional nonlinear massive gravity” (lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng). Đây là vấn đề đứng thứ 3 trong top 10 vấn đề nóng nhất của vật lý trên toàn thế giới...
Khi đăng tải bản thảo công trình nghiên cứu lên arxiv.org - trang web phổ biến trong giới khoa học, anh đã nhận được những phản hồi tích cực của các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ học. Chỉ trong vòng 2 tháng, công trình của anh đã được đăng tải mà không phải chỉnh sửa nội dung, trong khi thông thường thời gian công bố trên các tạp chí khoa học uy tín phải mất từ 4 - 6 tháng, thậm chí cả năm trời, và phải trải qua nhiều vòng phản biện. Đây cũng là công trình được Hội đồng bình chọn giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 đánh giá cao và trao giải dành cho nhà khoa học trẻ của năm.
Dù đã có những thành công bước đầu trong sự nghiệp khoa học, với 9 công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, nhưng TS Tuấn cho biết anh vẫn hướng tới công bố những kết quả mang tính đột phá, đóng góp vào tri thức nhân loại.
Theo TS Tuấn, thời điểm hiện tại vũ trụ học đang là vấn đề nóng bỏng của vật lý. Đây là mảnh đất cho các nhà nghiên cứu lý thuyết vũ trụ học có thể thỏa sức khám phá để giải thích những số liệu, hiện tượng bí ẩn. Tuy nhiên, tại VN, vũ trụ học chưa được nghiên cứu một cách bài bản và chưa có ai nghiên cứu về vũ trụ học một cách đúng nghĩa.
Với vai trò là giảng viên ĐH, ngoài mục tiêu công bố các công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế, TS Tuấn còn mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành vũ trụ học tại VN.
Bình luận (0)