Người trẻ chê học nghề

13/08/2016 10:00 GMT+7

Bất chấp việc hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp, phần đông người trẻ vẫn đổ xô vào bậc đại học, trong khi nhiều nghề có lương tốt, cơ hội việc làm cao lại không có người học.

Trường CĐ nghề Than - khoáng sản VN tuyển sinh 4.500 SV cho ngành nghề mỏ. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh giới thiệu việc làm của trường này, cho biết đến đầu tháng 8 mới chỉ tuyển được 2.500 người. So với ngành nghề khác, mức lương của nghề mỏ (bình quân gần 15 triệu đồng/tháng) xếp vào hàng cao, ra trường có việc làm tại các công ty của Tập đoàn Than - khoáng sản VN, chưa kể trong thời gian học được miễn học phí, ăn ở bao cấp thế nhưng vẫn không thu hút được người học.
Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy tính đến cuối tháng 5.2016, có 6/63 tỉnh, thành phố báo cáo số liệu tuyển sinh trình độ CĐ nghề là 0 (gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước) và có 5/63 tỉnh, thành phố tuyển dưới 100 SV (gồm: Quảng Ninh 93 SV, Hà Giang 54 SV, Lạng Sơn 32 SV, Đắk Nông 18 SV, Cà Mau 58 SV).
Ở trình độ trung cấp nghề có rất nhiều trường không tuyển sinh được hoặc chỉ tuyển được dưới 20 học sinh/trường. Những trường này chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề hoặc dạy nghề dưới 3 tháng.
Để đạt chỉ tiêu, năm nay trường đã đề ra kế hoạch từ tháng 7 - 9 tổ chức các đoàn về các vùng nông thôn của 29 tỉnh thành từ Quảng Bình trở ra để tuyển sinh. Thậm chí, lên tận vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang) để vận động con em người dân tộc đi học.
Ông Thịnh cho hay: “Dư luận xã hội luôn có định kiến nghề mỏ hầm lò là nặng nhọc, độc hại, có nhiều rủi ro nên nhiều gia đình và các bạn trẻ không muốn chọn nghề này. Đặc biệt, những nghề như: khoan, nổ mìn giờ không có ai đăng ký”.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long, cho biết có ngành nghề cách đây 5 năm nhiều người học như: lắp ráp cầu, hàn hồ quang... đến nay gần như rơi vào tình cảnh không có người học. Năm 2015, chỉ có 1 - 2 học sinh đăng ký vào học. “Để tồn tại, chúng tôi chấp nhận liên kết với các đơn vị, đặc biệt là các khu công nghiệp như Mê Linh (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Bắc Ninh đào tạo theo đơn đặt hàng”, ông Bình nói.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, cho biết những ngành nghề như cắt gọt kim loại, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí tuyển sinh ở mức độ trung bình. Cá biệt, nhiều năm liền trường không tuyển sinh được nghề cơ điện nông thôn. Năm 2016, tình hình khá hơn nhưng cũng chỉ có 10 em nộp hồ sơ.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, một số nghề xã hội có nhu cầu lớn, học xong tỷ lệ có việc làm cao nhưng ít người học (những nghề có số học viên tốt nghiệp ít hơn 500 người và tỷ lệ việc làm trên 80%): vận hành thiết bị sàng tuyển than (100%); giám định khối lượng và chất lượng than (100%); cốt thép hàn (95%); sửa chữa, lắp đặt thiết bị cơ khí xi măng (92%); xử lý nước thải công nghiệp (90%); quản lý khai thác công trình thủy lợi (90%).

tin liên quan

Chọn trường xét tuyển: Sốt nghề lập trình viên di động
Với tốc độ phát triển chóng mặt của các sản phẩm điện thoại di động, nhu cầu kết nối giữa con người với con người, con người với thế giới ngày càng lớn, nghề lập trình ứng dụng cho smartphone trở nên hot hơn bao giờ hết.

Để tránh lãng phí cơ sở hạ tầng, nhân lực của trường nghề, Bộ LĐ-TB-XH có chủ trương sáp nhập các trường nghề. “Bộ đã yêu cầu các ngành và địa phương khẩn trương rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề với quan điểm không mở thêm trường công, còn nếu mở thì phải cam kết tự chủ hoàn toàn, ủng hộ việc mở thêm trường tư với mục tiêu phi lợi nhuận”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Huỳnh Văn Tí nói.
Ông Tí cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có những hỗ trợ cụ thể cho các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất... và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các cơ sở dạy nghề. Trong đó chú trọng việc gắn kết chặt chẽ các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, các khu công nghiệp để tạo cầu nối hình thành quan hệ cung cầu trong thị trường lao động tại địa phương. Ngoài ra, các trường cần năng động trong hoạt động mở rộng các hình thức đào tạo như đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng mềm cho người lao động để người học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.