Nguy cơ đạo đức nhà giáo xuống cấp

Thanh Nam
Thanh Nam
19/12/2018 08:49 GMT+7

Làm nghề giáo phải hoàn thiện bản thân, vượt qua mọi thách thức.

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã nhấn mạnh như vậy trong bối cảnh có nhiều vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo diễn ra thời gian gần đây, khiến dư luận lo ngại.

Lo lắng cho học sinh và cho giáo dục

      PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
Là một nhà nghiên cứu đang làm công tác quản lý ở trường sư phạm, cảm giác của ông thế nào khi gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên (GV) vi phạm đạo đức nhà giáo?
Tôi cho rằng nên nhìn bối cảnh xã hội và những biến động nhất định với sự tương tác đa chiều trên toàn thế giới để chúng ta cần bình tĩnh, có động thái quyết liệt nhưng không quấy đục hay không làm quá.
Còn với tư cách nhà nghiên cứu hay nhà quản lý, tôi rất lo lắng. Lo lắng cho thế hệ học sinh, cho giáo dục. Tôi nghĩ cần nhìn đa chiều để thấy những mảng miếng cần lắp vá song song với cái nhìn toàn cục, hệ thống để điều chỉnh, định hướng một cách có chiến lược.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, nghề giáo với các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức luôn được mọi người kỳ vọng nên việc nhà giáo vi phạm đạo đức làm tôi rất trăn trở... Trên bình diện chung, có thể nói cần có những động thái tăng cường công tác giáo dục, rà soát và đánh giá một cách nghiêm túc về vấn đề đạo đức nhà giáo nói chung và đạo đức của con người nói riêng bằng những chiến lược bài bản. Cũng cần nhận thức về các giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để cải thiện chất lượng đội ngũ nhà giáo, trong đó những vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cần được đặt để ở một vị trí thật sự quan trọng và nghiêm túc...
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến GV vi phạm đạo đức nhà giáo ngày càng nhiều?
Tôi cho rằng có không ít thầy cô chọn chưa thật đúng nghề. Cái này xuất phát từ những hệ lụy của một giai đoạn nhất định. Hơn thế nữa, nhiều nghề nghiệp, hằng năm đều bồi dưỡng về tầm nhìn, sứ mạng, đạo đức nhưng việc bồi dưỡng của nghề giáo như thế nào là câu hỏi khá lớn.
Thứ hai, khả năng tự đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của nhà giáo là... “chưa tới”. Điều này va đập với suy nghĩ của không ít nhà giáo trước khi chọn nghề vì cho rằng đây là nghề nhàn hạ, ổn định... Điều ấy chỉ đúng với nhiều năm trước. Khi giáo dục đổi mới, nhu cầu con người và xã hội phát triển, thì một số nhà giáo không vận động đủ để đổi mới, thế là tụt lại và nguy cơ vi phạm đạo đức xảy ra nếu không kiểm soát chính mình, thiếu bản lĩnh, thiếu sự đáp ứng chuyển mình...
Thứ ba, xã hội và nghề giáo cũng như GV đang chịu quá nhiều áp lực. Áp lực nghề nghiệp; từ đòi hỏi phát triển năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ huynh, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; áp lực từ phía phụ huynh và học sinh; áp lực của đồng nghiệp và của chính mình... Trong khi đó, quỹ thời gian, sự đầu tư về chế độ chưa theo kịp nên nhiều GV vẫn chưa toàn tâm, toàn ý... để hết lòng hết sức với nghề.
Thứ tư, những tác nhân từ bên ngoài và cả truyền thông mạng, dư luận xã hội đem đến sự lo lắng và căng thẳng cho GV cũng như làm quá một số biểu hiện để bức tranh về nghề giáo có nhiều màu ảm đạm hơn.
Là một trong những trường đào tạo GV, theo ông sẽ làm gì để nâng cao đạo đức và chuyên môn nhà giáo?
Có những điều cần thực hiện là xem xét định hướng mới trong giáo dục hiện nay như: chương trình giáo dục phát triển năng lực, tương tác tích cực và gắn kết giữa thầy và trò, đánh giá sự phát triển năng lực mà không phải hướng đến những tiêu chuẩn hoàn hảo tuyệt đối...
Hiện nay trường cũng có các nghiên cứu gắn chặt với nghiên cứu được Bộ GD-ĐT đặt hàng hay giao trách nhiệm như phát triển hoạt động tham vấn học đường, chăm sóc tinh thần cho học sinh... Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các biện pháp điều chỉnh về đội ngũ nhà giáo thông qua các chương trình bồi dưỡng. Hoạt động truyền thông cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm từ phía giảng viên, sinh viên và cả những cá nhân khác để nhìn về giáo dục bằng tư duy tích cực, kết nối, chia sẻ...

Áp lực nghề nghiệp

Vì sao những GV vi phạm đạo đức nhà giáo có sự đa dạng về độ tuổi, có người còn trẻ, có người kinh nghiệm lâu năm?
Tôi cho rằng đây chính là tính cá nhân và các vấn đề thuộc về tâm lý. Như đã nói, nếu bạn chọn sai nghề hay chưa đúng, bạn sẽ chẳng thể hạnh phúc hay làm nghề bằng sự thoải mái chứ nói chi thành đạt.
Nếu chọn đúng nghề nghĩa là phải không ngừng hướng đến chuẩn giá trị của nghề nghiệp, có những động thái hoàn thiện bản thân để đáp ứng, vượt qua mọi thách thức, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp. Chỉ cần lơ là, chểnh mảng sẽ dẫn đến vi phạm đạo đức. Nghề giáo là nghề thể hiện rõ điều đó.
Ngoài ra, một số cá nhân nhà giáo thiếu chấp nhận và tôn trọng học sinh, cứng nhắc trong nhìn nhận và đánh giá học sinh, thiếu tính nghệ thuật trong tiếp cận và giáo dục học sinh. Thiếu khả năng vượt qua những áp lực nghề thì nguy cơ vi phạm đạo đức có thể xảy ra.
Liên tiếp có nhiều sai phạm liên quan đến giáo viên trong thời gian gần đây Ảnh: Huệ Minh, CTV
Liên tiếp có nhiều sai phạm liên quan đến giáo viên trong thời gian gần đây Ảnh: Huệ Minh, CTV

Để tạo ra cũng như xây dựng được môi trường sư phạm lành mạnh thì GV phải làm gì, thưa ông?
Thầy cô cần điều chỉnh mình từ nhận thức đến hành động. Cần phải thay đổi những suy nghĩ kiểu “thầy cô phải nghiêm khắc và mạnh tay mới làm học sinh sợ” hay “thầy cô phải có quyền thế”... Đến với học sinh, GV cần lắm sự thông hiểu, thấu cảm, tương tác và tôn trọng.
Ông muốn chia sẻ gì với những người đã, đang và sẽ theo đuổi nghề giáo?
Tôi nghĩ cuộc sống hiện nay nhiều thách thức, chúng ta cần nhìn nghiêm túc về hành trình mình đang đi và hãy chọn cho mình đúng đam mê, đúng sở trường. Nếu nghề giáo là nghề ta chọn, hãy làm hết mình bởi đó là nghề đầy hấp dẫn, sáng tạo dù cho nhiều thách thức. Tất cả đều bắt đầu bằng nhận thức đúng, làm việc đúng, thái độ đúng đối với người khác.
Ngoài ra, nếu bạn hết lòng với nghề, hãy tin rằng nghề sẽ mang đến cho bạn những niềm vui. Giáo dục con người là hoạt động cần có thời gian, bối cảnh... vì thế cần bình tâm và tự tin, hết lòng.
Ý kiến
Sẽ nhấn mạnh đến đạo đức trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ sẽ đặc biệt quan tâm để làm sao một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác nhưng mặt khác phải thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp, chế tài để nâng cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống hành vi ứng xử. Việc bồi dưỡng GV tới đây sẽ nhấn mạnh đạo đức lối sống, thực hiện dân chủ trong nhà trường.
Chuẩn GV mà Bộ mới ban hành rất nhấn mạnh đến phẩm chất nhà giáo. GV không chỉ dạy chữ mà còn dạy người…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Cơ sở để hình thành đạo đức nhà giáo...
Định hướng giá trị nghề nghiệp là cơ sở để hình thành đạo đức nhà giáo. Kết quả cho thấy những GV lựa chọn nghề vì yêu thích có tỷ lệ “hài lòng” và “rất hài lòng” vượt trội so với GV lựa chọn vì hoàn cảnh (74% so với 57,8%). Kết quả phân tích nhân tố cho thấy giá trị nghề giải thích đến 38,5% sự biến thiên của sự hài lòng với công việc. Yếu tố lương chỉ giải thích được 2,7% sự hài lòng với công việc. Đây là điểm đặc biệt của lao động sư phạm so với các ngành nghề khác. Như vậy, học sinh khi lựa chọn nghề sư phạm không có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng hoặc GV khi làm việc không có giá trị nghề đúng đắn sẽ dẫn tới sự chán nản và thiếu nhiệt huyết đối với công việc.
PGS-TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Tuệ Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.