Nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2015 đến Bình Định

10/07/2016 20:52 GMT+7

Giáo sư Takaaki Kajita (người Nhật Bản) và GS David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004) đã có mặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) để tham dự Hội nghị PAACOS do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.

Chiều tối 10.7, GS Takaaki Kajita (người Nhật Bản - đạt giải Nobel Vật lý năm 2015) đã đến tỉnh Bình Định để tham dự hội nghị trong Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 năm 2016.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu và lãnh đạo các sở Ngoại vụ, Sở KH-CN tỉnh đã ra sân bay Phù Cát đón GS Takaaki Kajita về TP.Quy Nhơn.
Theo kế hoạch, sáng 11.7, GS Takaaki Kajita sẽ có bài phát biểu về những kết quả nghiên cứu mới nhất về hạt neutrino (một loại hạt hạ nguyên tử sinh ra từ sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ) tại Hội nghị PAACOS (Hạt, Chuỗi và Vũ trụ học).
GS Trần Thanh Vân (áo trắng, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) đón GS Takaaki Kajita Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Hội nghị này diễn ra tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ở ICISE - ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) từ ngày 10.7 - 16.7 với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài GS Takaaki Kajita, GS David Jonathan Gross (Nobel vật lý năm 2004) sẽ có bài phát biểu tại hội nghị này.
Theo Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Takaaki Kajita (sinh năm 1959) nghiên cứu tại Đại học Saitama (hoàn thành năm 1981) và nhận bằng tiến sĩ năm 1986 tại Đại học Tokyo. Từ năm 1988, ông đã công tác tại Viện Nghiên cứu vũ trụ xạ của Đại học Tokyo. Ông được phong giáo sư năm 1999. Năm 2015, ông nhận giải Nobel vật lý cùng với Arthur B. McDonald (giáo sư ĐH Queen ở Canada) vì "những đóng góp trọng yếu đối với các thử nghiệm cho thấy hạt neutrino thay đổi tính đồng nhất. Sự biến đổi này đòi hỏi các hạt neutrino phải có khối lượng".
GS Takaaki Kajita cho biết đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam, lần thứ nhất ông đến Hà Nội cách đây đã 2 năm. Lần này, GS Jose WF Valle (công tác tại Đại học Valencia, Tây Ban Nha), thành viên Ban tổ chức khoa học của Hội nghị PAACOS, mời GS Takaaki Kajita tham gia và ông đã nhận lời.
Theo GS Takaaki Kajita, lời mời từ người bạn thân là GS Jose WF Valle thuyết phục được ông vì có đề cập đến mục đích của Hội Gặp gỡ Việt Nam khi tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế là muốn những người trẻ, những người mới làm khoa học có cơ hôi tiếp cận với các giáo sư tên tuổi, được trình bày ý kiến của mình và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong giới trẻ...

tin liên quan

GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về 'con người và vũ trụ'
Chiều 8.7, GS Trịnh Xuân Thuận (68 tuổi, giảng viên ngành vật lý thiên văn tại ĐH Virginia, Mỹ) đã có buổi nói chuyện, giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Hội trường Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) về chủ đề Con người và vũ trụ: Vũ trụ có một ý nghĩa gì không?

“Điều quan trọng nhất cho sự phát triển của nhân loại là con người. Con người cũng là nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của khoa học. Vì vậy, muốn phát triển khoa học ở các nước, kể cả Việt Nam, thì phải làm sao cho người ta nhận thức được rằng khoa học là quan trọng”, GS Takaaki Kajita nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.