Nhà văn Di Li công khai học bạ “học dốt” của mình!

07/12/2017 18:47 GMT+7

“Các cháu cứ yên tâm nói với bố mẹ mình rằng điểm số trung bình của một môn học, hay tất cả các môn, đều không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”.

Đó là lời chia sẻ của nhà văn Di Li (tên thật là Nguyễn Diệu Linh) trên trang Facebook cá nhân, thu hút hàng ngàn người quan tâm, bàn luận.

Điểm thấp không phải là “đồ bỏ đi”

Nhà văn Di Li nổi tiếng với những tiểu thuyết trinh thám tại Việt Nam. Hiện nay cô là giảng viên môn văn hóa Anh – Mỹ, Trường CĐ Thương mại và du lịch Hà Nội, môn quan hệ công chúng Trường ĐH Hòa Bình…

Di Li vừa công khai toàn bộ học bạ của mình thời phổ thông lên và tự nhận mình “dốt đều các môn”, nhằm chuyển tải thông điệp  “đừng học vì điểm số” tới các bậc phụ huynh và học sinh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Di Li cho biết, lý do mình viết bức “tâm thư” dài 2.000 chữ đó, là vì muốn con gái mình và các bạn của con đọc được, với hi vọng con sẽ thay đổi cách nhìn đầy sai lệch về mục tiêu học tập.

“Con tôi học lớp chọn và bảng điểm rất tốt. Nhưng tôi nhận ra con học lao vào học không phải vì yêu thích, mà do con thường xuyên bị ám ảnh về điểm số. Con nghĩ rằng phải học để được điểm cao, chỉ có đạt điểm cao thì sau này mới thành đạt. Tôi rất buồn vì hầu hết các bạn trong lớp cháu đều nghĩ như vậy. Các cháu học đến 1 giờ sáng, 6 giờ lại dậy đến trường. Ngày nào cũng vậy. Nếu bạn nào không may bị điểm kém là bị lêu lêu”, Di Li kể.

Di Li cho biết có một cậu bạn cùng trường với con bị điểm kém, do quá xấu hổ và áp lực nên đã chui vào toilet khóc 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, có học sinh học nhiều, stress đến mức vô cớ tát vào mặt bạn…

Sau khi được đăng tải trên trang cá nhân của mình, rất nhiều bạn bè của cô, trong đó có nhiều tiến sĩ, nhà văn, giảng viên… cũng vào chia sẻ bảng điểm “xấu” của mình. Có người từng bị đúp 2 năm thời phổ thông, có người từng thi ĐH chỉ 1 điểm môn văn… thế nhưng bây giờ đều là những người thành đạt.

Trong trang cá nhân, Di Li nhắn nhủ: “Nếu bố mẹ các cháu vẫn khăng khăng rằng bài kiểm tra vật lý của các cháu hôm nay điểm kém, điểm trung bình môn văn, địa lý, hóa học... của các cháu thấp đồng nghĩa với việc sau này các cháu sẽ là đồ bỏ đi, là lũ vô tích sự, sẽ trượt đại học khiến cho bố mẹ cháu xấu hổ, thì đấy là một kết luận hết sức sai lầm từ một giả định thức sai lầm. Các cháu cứ yên tâm nói với bố mẹ mình rằng điểm số trung bình của một môn học, hay tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6, lớp 10 hoặc lớp nào đi chăng nữa, đều không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”.

Di Li khẳng định: “Không có nghĩa là cứ học dốt là sẽ thành công. Hãy đặt mục tiêu học tập vì kiến thức thực sự. Dành thời gian để học nghệ thuật, tập thể thao, đọc sách, du lịch, thêu thùa, đan lát và kết bạn. Những thứ đó quan trọng không kém so với việc giải thành công một phương trình”.

Ứng xử đúng đắn với điểm thấp

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cũng cho rằng điểm cao hay thấp thời phổ thông, không quyết định sự thành công của mỗi người trong tương lai.

“Trong nhiều năm dạy học của mình, tôi thấy những bạn điểm số cao không thành công lại nhiều hơn là những bạn điểm số thấp mà thành công. Tuy nhiên, trong nền giáo dục nước ta hiện nay, điểm số vẫn là một thước đo đánh giá năng lực học tập của học sinh. Có điều bất cập ở chỗ, mỗi người chỉ có một năng lực nhất định ở một môn học, lĩnh vực nào đó, nhưng ở ta, để được đánh giá là học sinh giỏi, thì các em bắt buộc phải được điểm cao tất cả các môn!”.

Theo thầy Du, khi con bị điểm kém, phụ huynh cần có một ứng xử đúng đắn. “Không nên la mắng, thể hiện buồn rầu. Trước tiên phụ huynh cần nhìn nhận điểm số không đánh giá tất cả năng lực của con người và cũng không quyết định sự thành công trong tương lai. Nếu không may con bị điểm kém, thì hãy cùng con đưa ra giải pháp”, thầy Du nêu quan điểm.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.