Nhân cách người thầy là kho báu vô giá nuôi dưỡng nhân cách học trò

19/11/2016 14:47 GMT+7

Cha ông chúng ta từ nhiều thế kỉ nay luôn căn dặn hậu thế: 'Không thầy đố mày là nên!'.

Nhiều nhân vật lịch sử , nhiều chính khách của nước nhà đã chứng minh rất rõ một điều: Nhân cách của người thầy có tác động không nhỏ đến nhân cách người học trò, giúp họ trưởng thành và thành danh cho đất nước.
Các thầy giáo như vậy có thể mãi mãi tự hào về chuyện đó. Nhà văn, nhà giáo Hoàng Ngọc Phách (1896-1973), tác giả của cuốn tiểu thuyết "Tố Tâm", cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà là một người như thế. Ông là người đã góp phần dạy dỗ nên người không chỉ một chính khách lớn là cố Tổng bí thư Trường Chinh mà có cả nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam là Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ (1930) Nguyễn Văn Cừ, đó cũng là người đầu tiên trở thành vị đứng đầu Tổng Công hội Đỏ ( nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Rồi có cả những nhà văn, nhà thơ lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ...cũng được ông dạy dỗ, thành danh.
Với cố Tổng bí thư Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư của Đảng ta nhưng rất đặc biệt là có tới 3 lần đảm trách cương vị này với 3 tên gọi khác nhau (Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941; Đảng Lao động Việt Nam năm 1952 và Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986) đã luôn ghi khắc công ơn to lớn với thầy giáo Hoàng Ngọc Phách, người vốn xuất thân từ một nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20 đã góp phần xây dựng nhân cách và trí tuệ cho ông. Phải chăng, ngay cả chất văn chương trong con người Trường Chinh, một nhà văn hoá lớn , một nhà thơ cách mạng với bút danh Sóng Hồng cũng được bắt nguồn từ một trong những dòng chảy đó? Thầy Hoàng Ngọc Phách tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Trường Normal) năm1922. Ông được bổ về dạy học tại trường Thành Chung, Nam Định.
Ông kiêm nhiệm chức Phó Thanh tra học chính và Quản đốc trường Sư phạm tỉnh này. Ông có cái duyên may được bắt đầu dạy dỗ lớp thanh niên trong hoàn cảnh sôi động của đất nước. Một vài học trò của ông ở Nam Định như Đặng Xuân Khu (sau này trở thành nhà cách mạng mang bí danh Trường Chinh) là được ông dạy dỗ.
Cuối năm 1925, ông được chuyển lên trông coi tờ Học báo của Nha Học chính Đông Dương và Tổng thư ký trường Cao đẳng sư phạm. Nhưng chỉ mới được một năm, phong trào xin ân xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh bộc phát rầm rộ trong giới sinh viên cao đẳng, ông bị ngờ là có dính dáng nên bị đổi về phụ trách Học khu ở tỉnh Kiến An. Năm 1927, ông xin chuyển sang dạy học tại Trường trung học Bonnal Hải Phòng (nay là Trường trung học phổ thông Ngô Quyền).
Trong số sinh viên ông đào tạo tại đây sau này có những người trở thành những tên tuổi sáng chói như Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng thành nhà thơ, nhà văn, Nguyễn Đức Cảnh trở thành nhà nhà lãnh đạo Công hội Đỏ và Trường Chinh - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương… Khi phong trào Xô Viết bùng nổ, bị mật thám nghi ngờ, ông bị thuyên chuyển lên Lạng Sơn làm giáo sư trường Cao đẳng tiểu học tỉnh này. Năm 1935 Hoàng Ngọc Phách xin đổi về Bắc Ninh, nơi ông sẽ trụ lại lâu dài. Tại đây ông có nhiều đóng góp cho hoạt động giáo dục, được bầu làm Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ, Hội Khuyến học, Hội Hướng đạo học sinh. Uy tín nhà giáo của ông ngày càng được khẳng định. Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Ngọc Phách vẫn được giữ nguyên chức Giám đốc học khu Bắc Ninh đồng thời còn được bầu vào các cơ quan chính quyền mới. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, từ thị xã Bắc Ninh, ông lại cùng gia đình ra đi tham gia công tác giáo dục của vùng kháng chiến. Lúc đầu ông giữ chức Giám đốc giáo dục Chiến khu XII, rồi thuyên chuyển qua nhiều chức vụ: Giám đốc giáo dục Liên khu I (1948), Hiệu trưởng trường Trung học kháng chiến Liên khu X (1949), Giám đốc trường Cao Đẳng sư phạm trung ương (1950), Thanh tra Trung học vụ toàn quốc (1951)….
Trong những năm này, ông lao vào công việc với một niềm hào hứng, say mê mà không quản ngại những vất vả khó khăn trong thời kỳ kháng chiến gian khổ. Năm 1952, với tuổi 56 , ông bị bệnh lao lực khá nặng và sinh trọng bệnh. Được Bộ Giáo dục cho phép về dưỡng bệnh ở Hà Tĩnh nhưng chỉ vừa khỏe lại, ông đã xin trở lại dạy học ở trường tỉnh quê ông. Năm 1959 khi Viện Văn học thành lập, ông được điều về Viện làm chuyên viên nghiên cứu. Ông đã giã từ hẳn ngành giáo dục sau gần 40 năm gắn bó và quay vào việc sưu khảo các tài liệu văn học cận đại một cách hứng thú cho mãi đến năm 1963 mới nghỉ hưu.
Mười năm còn lại với cuộc đời, ông lại miệt mài với những trang văn cho đến khi ông vĩnh viễn ra đi vào năm 1973. Cậu học trò Đặng Xuân Khu khi học ở trường Thành Chung, Nam Định đã gắn bó với thày suốt 3 năm (1922-1925). Nhờ có một người thày như Hoàng Ngọc Phách, nhân cách của người học trò Đặng Xuân Khu vốn rất thông minh đĩnh ngộ như được tiếp thêm trí tuệ và tâm hồn để dấn thân vào cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ nước nhà. Có lần ông Trường Chinh kể rằng, thầy Hoàng Ngọc Phách thường khen ông làm bài hay và có bài văn được thày đưa ra đọc trước lớp cho chúng bạn tham khảo...
Sau lễ truy điệu cụ Phan Bội Châu, chàng thanh niên Đặng Xuân Khu bị mật thám ghi vào sổ đen do tham gia rất tích cực , buộc phải rời trường tham gia cách mạng bí mật với bí danh Trường Chinh. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông Trường Chinh luôn ghi nhớ công ơn người thày của mình. Theo tác giả Nguyễn Văn Khoan ghi lại thì ông Trường Chinh luôn nhắc đến tên người thầy yêu kính của mình với tên gọi Song An ngày nào. Năm 1952, khi hay tin thầy Song An - Hoàng Ngọc Phách về quê Đức Thọ, Hà Tĩnh dưỡng bệnh, ông viết thư thăm hỏi, động viên thầy giáo cũ, gửi sách về cho thầy đọc... Năm 1954, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, thầy Hoàng Ngọc Phách về Hà Nội làm việc. Tổng bí thư Trường Chinh đã được gặp lại thày giáo cũ. Thỉnh thoảng, ông cho đón thầy đến nhà chơi. Khi có dịp thì đến tận nhà thăm sức khỏe thầy.
Chẳng có Tết nguyên đán nào mà ông Trường Chinh không gửi thiếp đến mừng Xuân và chúc Tết người thầy cũ yêu kính . Năm 1973, thầy Hoàng Ngọc Phách ốm nặng, phải nằm viện chữa trị. Ông Trường Chinh thường tranh thủ vào bệnh viện thăm thầy nhiều lần và gửi gắm các thày thuốc lưu tâm chăm sóc thày mình. Khi thầy Hoàng Ngọc Phách qua đời, ông Trường Chinh đến dự lễ tang tiễn đưa thày về cõi vĩnh hằng, rất cung kính với tấm lòng tôn sư trọng đạo của người học trò chịu ơn thầy năm xưa đã giúp ông nên người. Hồi đó, với chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Trường Chinh cũng như mấy vị đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn có phóng viên chuyên trách cùng đi. Khi phóng viên xin phép nêu tên ông trong bài viết về đám tang. Vốn là người cẩn trọng và ý tứ, ông đã gạt đi và dặn: Tôi đến viếng Thầy là với tư cách học trò, là nghĩa tình thầy - trò chứ không phải với danh nghĩa là một nhà lãnh đạo đất nước. Vì thế cho nên không cần đăng!".
Bây giờ hình như đang có khác trong lối nghĩ của nhiều người có cương vị cao trong xã hội. Đến dự đám tang mà có vị yêu cầu ban tổ chức tang lễ phải giới thiệu đầy đủ các chức danh của mình thì mới thấy hài lòng.
Có ông chức vị cũng thường thường, cũng chưa phải là cấp cao lắm (nếu như là yếu nhân thì không dám nói vì đây là câu chuyện khác, liên quan đến công tác bảo vệ), họ đến sau nhưng vẫn muốn chen ngang vào viếng với lý do này khác mà thấy buồn cho một nếp sống thiếu văn hoá ...
Con người ta, nhân cách của họ ra sao? Theo tôi, có một phần đóng góp không nhỏ, đó là những người học trò đó được học những ai trong đời mình? Tôi tin rằng không thể có chuyện học trò tự nhiên mà có được nhân cách tốt, cao đẹp ở trong mỗi con người họ nếu không có những người thầy đáng kính đã giúp họ, tôi rèn họ từ nhiều lớp học... Chúng ta không nên xem nhẹ chuyện này bởi đó là kho báu vô giá giúp người học trò làm Người và nên Người mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.