Nhiều bộ sách giáo khoa là đòi hỏi từ thực tiễn

14/09/2018 08:14 GMT+7

Quốc hội đã thông qua nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong đó cho phép có nhiều sách giáo khoa mỗi môn học. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện đổi mới quan trọng này ra sao.

Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội (QH).
Vì sao QH quyết định cho phép nhiều SGK ?
Thưa ông, Nghị quyết 88 của QH ban hành năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông, đã nêu rõ: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Vậy xin ông cho biết, xuất phát từ cơ sở nào mà lúc đó QH đã quyết định bấm nút ban hành nghị quyết với thay đổi khá quan trọng như vậy?

Chính từ thực tiễn nhiều bất cập, lo ngại và kết quả giám sát về chất lượng giáo dục phổ thông nên QH đã quyết định ban hành Nghị quyết 88 đổi mới chương trình, SGK phổ thông theo hướng khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện hành như chương trình nặng, chú trọng dạy chữ hơn dạy người...
Lần đầu tiên, chúng ta đưa vào nghị quyết của QH quy định về việc có nhiều SGK. Sở dĩ nói nhiều chứ không phải nhiều bộ là vì lâu nay chúng ta chỉ có một bộ chung duy nhất nên khi thay đổi, chúng ta sẽ có thể có nhiều bộ nhưng có thể chỉ có nhiều cuốn SGK. Ví dụ, có những cấp học hoặc khối lớp có nhiều bộ nhưng cũng có thể sẽ không phải cấp học hoặc khối lớp nào cũng có nhiều bộ mà chỉ là nhiều cuốn của một số môn hoặc khối lớp cụ thể.
Nghị quyết cũng nêu, để đảm bảo có một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12 cho mọi học sinh (HS) trên cả nước thì vẫn giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK dùng chung. Còn lại, các tổ chức, cá nhân khác, theo nhu cầu và khả năng của mình sẽ biên soạn SGK của từng môn học hoặc cấp học nào đó.
Nhiều bộ sách giáo khoa là đòi hỏi từ thực tiễn1
Ông Phạm Tất Thắng Ảnh: Tuệ Nguyễn
Vậy cơ sở thực tiễn nào để QH quyết định chuyển từ việc chỉ có 1 bộ duy nhất sang cho phép thực hiện nhiều bộ hoặc nhiều cuốn khác nhau? Có phải vì chúng ta làm theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới hay vì QH thấy những bất cập nảy sinh khi độc quyền 1 bộ?
Nhiều SGK là cơ hội đổi mới
Ông Phạm Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu có nhiều SGK thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS thì sẽ thuận lợi trong việc quản lý thực hiện chương trình, bảo đảm việc dạy học không truyền thụ kiến thức một chiều mà tập trung vào thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực. Việc có nhiều SGK là cơ hội để đổi mới trong việc quản lý thực hiện chương trình ở khâu kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Khi có nhiều SGK thì việc kiểm tra, đánh giá, thi phải bảo đảm không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức mà tập trung vào đánh giá năng lực HS để phù hợp với các SGK khác nhau.
Tuệ Nguyễn (ghi)
Có thể nói quyết định này xuất phát từ cả mấy nguyên nhân như vậy. Bởi ở chương trình hiện hành thì Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ dùng chung cho toàn quốc và việc đó được giao cho một đơn vị của Bộ là Nhà xuất bản Giáo dục VN biên soạn và phát hành. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước có nền giáo dục phát triển thì từ lâu họ đã cho phép giáo viên và HS có quyền lựa chọn những cuốn SGK phù hợp. Trong xu thế xã hội hiện nay thì để tránh những bất cập của việc độc quyền, người dân phải có quyền được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình. Với SGK thì điều này lại càng cần thiết. Điều quan trọng là chúng ta ban hành được một chương trình chuẩn còn việc thể hiện cụ thể nội dung kiến thức theo chuẩn của chương trình như thế nào để cho các nhóm tác giả, các tổ chức họ thể hiện qua việc biên soạn SGK khác nhau.
Khi quyết định đưa vào nghị quyết cho phép thực hiện nhiều SGK thì QH có hình dung được khó khăn và hướng khắc phục thế nào không, thưa ông?
Chính vì QH đã lường trước nhiều khó khăn nên Nghị quyết 88 khi cho phép thực hiện xã hội hóa việc viết sách đã thận trọng khi không dùng từ là “nhiều bộ SGK” mà chỉ nói một số SGK. Nghĩa là sẽ không yêu cầu chỉ có 1 chương trình, 1 bộ SGK như hiện nay nhưng cũng không thể chắc chắn rằng việc xã hội hóa viết SGK sẽ cho ra nhiều bộ đạt yêu cầu ngay được.
Để ban hành 1 bộ hoàn chỉnh là một công việc rất phức tạp, đòi hỏi sự tập trung rất lớn cả về điều kiện con người, kỹ thuật lẫn công tác tổ chức từ biên soạn, in ấn đến khâu phát hành... Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và lực lượng trong vấn đề này nên Nghị quyết 88 cho phép thực hiện “một số SGK cho mỗi môn học” cũng là để phù hợp với giai đoạn đầu khi chúng ta chuyển từ một bộ sang nhiều SGK cho mỗi môn học. Thực tế ngay cả khi chúng ta đang thực hiện một bộ như thời gian qua thì cũng đã có một số nhóm tác giả đã giới thiệu với xã hội một số SGK mà họ biên soạn như bộ sách của Nhóm Cánh Buồm...
Cũng chính vì lường trước giai đoạn đầu chuyển đổi từ một bộ sang nhiều SGK nên nghị quyết có nêu rõ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ SGK dùng chung để tránh trường hợp xã hội hóa biên soạn SGK không thực hiện được nhiều và đầy đủ ở tất cả các môn học, cấp học thì vẫn có 1 bộ để đảm bảo nhu cầu dạy và học của tất cả HS.
SGK vẫn là mặt hàng đặc biệt
Có ý kiến cho rằng khi thực hiện chương trình, SGK mới cũng không nên đồng loạt mà chỉ thực hiện trước ở những nơi nào đủ điều kiện. Ông có ủng hộ đề xuất đó?
Theo tôi, đó là một đề xuất khá thực tiễn bởi trong quy trình thực hiện chương trình, SGK mới sẽ phải có khâu áp dụng thử trước khi áp dụng đại trà. Nhưng quy mô và thời gian áp dụng thử đến đâu là chuyện còn phải bàn. Nếu chúng ta có điều kiện thử nghiệm kỹ lưỡng, ví dụ trong thời gian 1 năm học ở một số địa phương, rồi điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trước khi triển khai đại trà. Còn nếu thực nghiệm trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn thì không đủ căn cứ để đánh giá tác động một cách sâu sắc, toàn diện.
Hiện nay, SGK được xem là một mặt hàng đặc biệt và nhà nước kiểm soát về giá. Tuy nhiên, khi thực hiện việc xã hội hóa biên soạn SGK và đây không còn là mặt hàng độc quyền nữa thì theo ông giá có cần tiếp tục được kiểm soát như hiện nay không hay để thị trường điều tiết?
Tôi cho rằng, dù khi có nhiều SGK thì đây vẫn là mặt hàng đặc biệt. Khi có nhiều SGK là sẽ có cạnh tranh và giá thành nên để thị trường điều tiết trên cơ sở chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, vì vẫn là mặt hàng đặc biệt nên vẫn phải có yếu tố quản lý của nhà nước đối với mặt hàng đặc biệt này về giá trần, giá sàn như thế nào đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.