Không thể có sách giáo khoa tự chọn!
|
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu cho phép các trường có quyền lựa chọn SGK như dự thảo thì khi bố mẹ mua sách, trường bảo không được, phải mua sách của trường thì sẽ ra sao trong khi có rất nhiều trường. “Thời tôi và các anh chị ở đây đi học, sách phổ thông 10 năm vẫn học được, mang về Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Bây giờ lại quy định như thế này sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội”, ông Hiển nói và đề nghị Bộ GD-ĐT phải quy định thống nhất một bộ SGK theo một chương trình chung.
Dẫn lại câu chuyện SGK chỉ sử dụng được một lần khiến dư luận bức xúc lâu nay mà chưa được giải quyết, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải nói: “Như năm học này, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK, các phụ huynh mỗi năm phải bỏ ra trung bình 1.000 tỉ đồng mua SGK nhưng năm sau hoàn toàn không dùng được. Nếu tới đây, một chương trình, nhiều bộ SGK mà Nhà xuất bản Giáo dục vẫn độc chiếm quyền in ấn thì vấn đề này sẽ còn trầm trọng hơn”. Từ đó, bà Hải cũng kiến nghị nếu các trường được lựa chọn SGK thì đề nghị cha mẹ học sinh cũng phải được biết và được lựa chọn chương trình và SGK giảng dạy trong nhà trường.
Tham gia ý kiến, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng không thể có SGK nhà trường tự chọn hay một môn lại có nhiều SGK mà phải thống nhất trên cả nước, vì nếu để các địa phương hay trường tự chọn SGK thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực và cục bộ. Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được”.
Chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt
|
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật Giáo dục sửa đổi, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH, cho biết do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Do vậy, thường trực ủy ban này đề nghị bổ sung quy định Chính phủ trình UBTVQH trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.
Đặt câu hỏi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Việc thí điểm thì có thể thành công, có thể thất bại nhưng vừa qua cử tri, dư luận có nhiều ý kiến về thí điểm, nhất là thí điểm tiếng Việt, đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này”. Giải đáp vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù quốc tế đánh giá rất cao về chất lượng giáo dục phổ thông VN nhưng không vì thế mà không đổi mới. Đã đổi mới thì không thể nào không thử nghiệm, thực nghiệm. Tuy nhiên, ông Đam cũng đồng tình rằng trong quá trình đổi mới sau này, vấn đề thí điểm, thực nghiệm phải làm rất cẩn trọng. Bên cạnh đó, ông Đam khẳng định, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt trong vài năm tới đây…
Chưa đồng tình đề xuất miễn học phí toàn bộ THCS
Một chính sách mới được ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo trình UBTVQH lần này là miễn học phí đối với học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập cũng nhận được nhiều băn khoăn của thành viên UBTVQH.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi: “Với các chính sách mới được đưa ra thì liệu ngân sách có đảm bảo được không trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay?”. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết báo cáo đánh giá tác động của Bộ GD-ĐT thì số tiền miễn học phí, cấp bù và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, việc miễn học phí sẽ được tính toán lộ trình cân đối với ngân sách nhưng sẽ không vượt quá tỷ lệ 20%.
Không đồng tình với những giải trình này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng Chính phủ nói có lộ trình nhưng lại chưa thấy cơ quan soạn thảo nói rõ lộ trình như thế nào. Theo ông Hiển, đúng là cần có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện học tập nhưng cũng cần tính tới khả năng của ngân sách. Từ đó, ông Hiển khẳng định chưa đồng tình với đề xuất miễn học phí toàn bộ cấp THCS mà lại còn hỗ trợ cả trường tư, và đề nghị chỉ nên giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. “Có những trường ở các TP lớn đóng góp 7 - 8 triệu đồng/tháng mà còn phải xếp hàng mới vào được, nhiều trường mỗi năm nhận 1.200 hồ sơ trong khi chỉ tuyển 260 học sinh thì có cần hỗ trợ các trường này không?”, ông Hiển nói và cho rằng quy định như dự thảo thì đại trà quá và vi phạm nguyên tắc thị trường, cần phải tính lại.
Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK được QH bỏ phiếu thông qua năm 2014, nêu rõ: thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.
Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
|
Bình luận (0)