Nhiều trăn trở sau kỳ thi THPT quốc gia

Hà Ánh
Hà Ánh
01/07/2019 08:10 GMT+7

Hàng chục ngàn giảng viên đã trở về nhà sau khi hoàn tất công tác coi thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, theo các giảng viên, có nhiều việc còn đọng lại ở kỳ thi - cả niềm vui và những trăn trở.

Chi phí quá lớn, có đáng ?

Nhìn vào tổng thể, một kỳ thi tốn kém công sức nhưng tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp ngất ngưởng, mức độ sử dụng kết quả này để xét tuyển của các trường ĐH ngày càng giảm thì có nên không?
Cán bộ coi thi một trường ĐH tại TP.HCM
Theo số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT sau kỳ thi này, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi. Kỳ thi đã phải huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 trường ĐH, CĐ, học viện tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi.

Cán bộ coi thi một trường ĐH tại TP.HCM cho biết, năm nay trường ông đã huy động khoảng 400 cán bộ, giảng viên tham gia hỗ trợ tổ chức thi. Nếu tính chi phí trung bình trong 5 ngày gồm di chuyển, ăn ngủ, công tác phí và thù lao công tác là khoảng 2 triệu đồng/người. Với những trường phải đi xa hơn hoặc sử dụng phương tiện di chuyển bằng máy bay, chi phí này còn cao hơn. Khi đó, với một trường 400 người, chi phí tối thiểu 800 triệu đồng. Còn với tổng số gần 50.000 người của cả nước, số tiền này có thể lên tới trên dưới 100 tỉ đồng.
Nhưng theo cán bộ coi thi này, số tiền trên chỉ là chi phí cho cán bộ, giảng viên đến từ trường ĐH, chưa kể lực lượng tham gia tại chỗ đến từ các sở GD-ĐT. Với điểm mới năm nay về việc giao các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, chi phí trên cũng chưa tính tới số lượng không nhỏ cán bộ chấm thi các trường ĐH tiếp tục ở lại địa phương trong khoảng từ 1 tới gần 3 tuần.
“Nếu so với việc gần 1 triệu thí sinh cùng phụ huynh cả nước phải di chuyển đến các thành phố lớn để dự thi, việc cán bộ giảng viên về địa phương là tốt hơn. Nhưng nhìn vào tổng thể, một kỳ thi tốn kém công sức nhưng tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp ngất ngưởng, mức độ sử dụng kết quả này để xét tuyển của các trường ĐH ngày càng giảm thì có nên không?”, cán bộ này tâm tư. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước năm ngoái là 97,57%; năm 2017, tỷ lệ này ở nhiều địa phương gần mức 100% và không khác biệt nhiều ở những năm trước đó.

Quy trình phụ thuộc quá nhiều vào con người nên thiếu nhất quán

Trong khi đó, cán bộ thanh tra một trường ĐH tại TP.HCM chia sẻ hàng loạt tâm tư về kỳ thi. Một trong số các vấn đề được đặt ra là sự tồn tại của kỳ thi này trong tương lai khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các năm trên 97% và các trường ĐH đang ngày càng tự chủ trong tuyển sinh.
Từ những quan sát thực tiễn trong các ngày thi, cán bộ này ý kiến, quy trình an ninh năm nay có lẽ tăng gấp đôi năm ngoái, thể hiện qua câu chuyện tủ đề thi và tủ bài thi riêng biệt có camera, công an và cán bộ giám sát 24/24 cho đến bốc thăm phương án phát đề, bốc thăm cán bộ coi thi, túi đề thi chính và phụ… Nhưng theo cán bộ này: “Liệu quy trình này có đảm bảo khi yếu tố con người đảm nhiệm quá nhiều việc nhưng không được đồng bộ chuẩn hóa? Vì vậy mới dẫn tới tình trạng nhiều điểm thi bị sơ suất trong khâu phát đề, thu bài, đánh số, ghi số thứ tự...”.
“Vạch ra quy trình cho căng thẳng rồi phụ thuộc vào sự chuẩn xác của con người trong khi con người luôn có thể sai sót? Quy trình là đúng nhưng quá nhiều biến số, đặc biệt là liên quan con người vào quy trình này thì không bao giờ có hiệu suất cao nhất”, cán bộ này góp ý.

Một số sự cố trong kỳ thi THPT quốc gia 2019

Có 4 thí sinh (TS) ở Lào Cai và Sơn La phải thi thêm một buổi do phải thi lại môn văn, mà lỗi là của giám thị. Trong buổi thi môn đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2019, tại một phòng thi ở Lào Cai có cán bộ coi thi ký nhầm tên mình vào ô dành cho cán bộ chấm thi với 3 TS. Sau một nửa thời gian làm bài, vị giám thị này phát hiện ra việc nhầm lẫn nên đã bắt TS viết lại bài thi vào tờ giấy thi khác mà không cho TS được thêm thời gian bù giờ. Như vậy, giám thị này vi phạm nguyên tắc không đảm bảo quyền lợi của TS khi làm nhiệm vụ. Ban chỉ đạo thi quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi Lào Cai đình chỉ 2 giám thị coi thi, tổ chức cho 3 TS thi lại môn văn vào chiều 27.6 bằng đề dự bị.
Trường hợp 1 TS phải thi lại môn văn ở Sơn La, lỗi xảy ra cũng tương tự. Tại một điểm thi, một TS ghi số báo danh không đúng quy cách. Nhưng các giám thị đã xử lý thiếu linh hoạt, sau khi thời gian làm bài diễn ra được một nửa mà vẫn yêu cầu TS thay tờ giấy khác, làm lại bài thi, ảnh hưởng tới thời gian làm bài của TS.
Tại TP.HCM, ở buổi thi bài thi khoa học tự nhiên đã xảy ra sự cố thiếu đề tại 3 điểm thi là trường THCS Colette (Q.3), THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) và THPT Tân Bình (Q.Tân Phú).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ở mỗi điểm thi đều có 2 bì chứa đề thi dự phòng, trong đó mỗi bì thư gồm đầy đủ 24 mã đề khác nhau. Ngay sau khi phát hiện sự cố thiếu mã đề thi, các điểm thi đã nhanh chóng sử dụng đề thi dự phòng. Tuy nhiên, chỉ có điểm thi Trường THPT Tân Bình do số lượng mã đề thi thiếu không nhiều nên sau khi sử dụng đề thi dự phòng không làm ảnh hưởng thời gian bắt đầu làm bài của TS. Riêng với 2 điểm thi còn lại, số lượng đề thi dự phòng không đủ nên điểm thi phải tiến hành photo thêm đề, dẫn đến thời gian làm bài của TS muộn hơn so với kế hoạch. Trong đó, tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, TS làm bài thi môn sinh học muộn hơn so với thời gian quy định là 30 phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.