Nhu cầu người biết tiếng Nhật tăng cao

07/11/2018 06:50 GMT+7

Theo các chuyên gia, thị trường lao động ngày càng cần nguồn nhân lực sử dụng tiếng Nhật nhưng người biết không nhiều. Trong khi đó, việc giảng dạy ngôn ngữ này ở các trường phổ thông không có sự khởi sắc vì khó tuyển giáo viên.

Cơ hội rèn luyện, phát triển bản thân
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận định: “Hiện nay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật tại khu vực TP.HCM và các khu công nghiệp, chế xuất lân cận tăng rất cao do người Nhật đầu tư vào VN ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người biết tiếng Nhật lại chưa đủ để đáp ứng. Những ứng viên giỏi tiếng Nhật được các doanh nghiệp này rất trân trọng và sẵn sàng tuyển dụng. Trên thực tế, nhiều em không có bằng cấp, chỉ cần giỏi Nhật ngữ là đã được đón chào”.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc của Tập đoàn Navigos Group, thông tin: “Dựa trên cơ sở dữ liệu của chúng tôi trên trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng tại VN đã tăng thêm 13%. Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay đáng kể đến như sản xuất, chiếm đến 38%, công nghệ thông tin chiếm 12%, kỹ sư/công nghệ và xây dựng cùng chiếm 7%. Gần đây, mỗi tháng lại có từ 10 - 15 nhà đầu tư mới ở mỗi vùng. Những nơi doanh nghiệp Nhật có nhu cầu tuyển dụng nhiều là TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh trọng điểm của các khu công nghiệp như Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương”.
Theo khảo sát của VietnamWorks, những vị trí dành cho người biết tiếng Nhật có lượng hồ sơ nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm gồm hành chánh - thư ký, sản xuất, kinh doanh, cơ khí, nhân sự, kế toán, điện - điện tử, tài chính - đầu tư, dịch vụ khách hàng và thu mua - chuỗi cung ứng. Mức lương đề nghị nhiều nhất cho cấp độ có kinh nghiệm là từ 251 - 500 USD/tháng, cấp quản lý từ 701 - 1.000 USD/tháng.
Ông Tuấn cho rằng, môi trường làm việc tại doanh nghiệp Nhật rất chuyên nghiệp, giúp người lao động được rèn luyện để phát triển năng lực bản thân. Ngoài ra, công ty Nhật rất chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực. Phần lớn họ đều có những chương trình đào tạo qua các hình thức khác nhau, ngoài ra còn có chương trình điều chuyển sang Nhật đào tạo, công tác, hoặc làm việc lâu dài.
Thiếu giáo viên, học sinh ít lựa chọn
Sau hơn 10 năm đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở các trường phổ thông, đến nay TP.HCM chỉ có 2 trường THCS là Võ Trường Toản (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3) và 3 trường THPT là Trưng Vương (Q.1) cùng Lê Quý Đôn, Marie Curie (Q.3) tổ chức thực hiện. Theo thông tin từ lãnh đạo các trường trên, học sinh (HS) lựa chọn ngoại ngữ này không nhiều, không có sự khởi sắc và khó khăn trong việc tuyển giáo viên.
Ông Cao Đức Khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), cho hay năm nào cũng vậy, chỉ có trên dưới 30 HS đăng ký theo học tiếng Nhật. Ông Khoa nhận định, những HS lựa chọn tiếng Nhật đều có sự ham thích nhất định đối với ngôn ngữ này thì mới đăng ký chứ không như những ngoại ngữ phổ thông khác.
Tuy vậy, Trường Võ Trường Toản mỗi năm chỉ tuyển được 1 lớp, tức cả trường có 4 lớp tiếng Nhật đại diện cho 4 khối lớp. Theo phân bố chương trình, HS sẽ học 8 tiết/tuần và nhà trường cần 2 giáo viên tiếng Nhật phụ trách nhưng chỉ có một năm nhà trường đủ số giáo viên cần còn lại đều phải thỉnh giảng 50% giáo viên.
Tương tự, ở bậc THPT, tình hình cũng không khả quan hơn so với bậc THCS. Hiệu trưởng một trường THPT thực hiện chương trình này cho biết, có năm nhà trường tuyển không đủ HS cho 1 lớp nên phải ghép học chung với HS lớp khác. Trường cũng không tuyển được giáo viên cơ hữu mà phải sử dụng giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Hiệu trưởng trường này nói: “Chúng tôi phải cố gắng để giữ chân giáo viên vì nếu với thời gian dạy ở trường, thầy cô dạy ở các trung tâm bên ngoài hoàn toàn có thu nhập cao hơn nhiều lần”.
Vào cuối tháng 10, Đại sứ Nhật Bản tại VN đã khởi động Chương trình đặc biệt tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật tại VN trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Lãnh đạo các trường hy vọng việc học tiếng Nhật trong các trường phổ thông sẽ có những chuyển động mới bởi việc học ở bậc phổ thông sẽ là cơ sở, nền tảng để theo học ngoại ngữ ở những bậc học cao hơn sau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.