Tối 24.10, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức Lễ khởi động và giới thiệu chương trình đặc biệt tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, chương trình này bắt nguồn từ phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị “Tương lai châu Á” tại Tokyo năm ngoái, về việc Nhật Bản mong muốn thực hiện chương trình tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật tại 3 quốc gia của châu Á.
Việt Nam đã được phía Nhật Bản chọn là 1 trong 3 quốc gia (cùng với Ấn Độ và Myanmar) nhờ vào việc Đại sứ quán Nhật và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản mạnh mẽ đề xuất với Tokyo.
Cũng theo Đại sứ Umeda, hiện số lượng người Việt cư trú tại Nhật Bản đã lên tới 290.000 người, tăng gấp 6,5 lần trong vòng 7 năm qua, xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Cũng trong thời gian này, số thực tập sinh kỹ năng tăng gấp 10 lần, lên 130.000 người, đứng ở vị trí thứ nhất. Số du học sinh Việt Nam tại Nhật thậm chí còn tăng gấp 14 lần, lên 80.000 người.
Nhu cầu học tiếng Nhật tại Việt Nam tăng trưởng quá nóng trong những năm qua, dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là giáo viên có kỹ năng; xuất hiện các giáo viên, trung tâm kém chất lượng.
Theo ông Ando Toshiki, Giám đốc Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, năm 2017, Việt Nam có 71.242 người tham dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT), đứng thứ 3 trên toàn thế giới và số 1 Đông Nam Á về số lượng thí sinh.
Cùng với đó, số lượng người có nguyện vọng học tiếng Nhật tại các trường THCS và THPT đang có sự gia tăng mạnh mẽ. Hiện ở Việt Nam đã có 75 trường đang dạy tiếng Nhật thí điểm cho học sinh và kỳ vọng sẽ phổ cập và dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất kể từ năm tới.
Bởi nhu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng dạy tiếng Nhật, phía Nhật Bản đã xây dựng chương trình với 2 mục tiêu: đào tạo mới để gia tăng số lượng giáo viên tiếng Nhật và nâng cao năng lực cho các giáo viên hiện đang tham gia giảng dạy.
Trước mắt, có khoảng hơn 200 người sẽ được thụ hưởng chương trình này ở cả Hà Nội và một số địa phương khác, để nâng cao khả năng giảng dạy.
Một trong những lý do phía Nhật Bản triển khai chương trình này ở Việt Nam là nhiều người Việt do không đủ thông tin nên phải vay mượn tiền sang Nhật và phải làm việc cật lực để trả nợ, thậm chí kể cả vi phạm pháp luật Nhật Bản, như làm quá số giờ quy định hay trộm cắp.
Theo Đại sứ Umeda, “các bạn trẻ Việt Nam đã và đang hỗ trợ Nhật bản trước những thách thức của tình trạng dân số già và thiếu hụt lao động”, nhưng bên cạnh đó, số người có hành vi trộm cắp cũng đang gia tăng.
Tại một cuộc gặp cấp cao mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã phải cam kết tăng cường giám sát các công ty phái cử không lành mạnh của Việt Nam và các trường tiếng Nhật không lành mạnh của Nhật Bản đang kiếm lợi từ các bạn trẻ Việt Nam.
Việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Nhật ngay tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp các bạn trẻ được chuẩn bị kỹ hơn khi sang Nhật nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật tại đây.
Bình luận (0)