Xe

Việt - Nhật chia sẻ lợi ích chiến lược

Ngọc Mai
Ngọc Mai
11/09/2018 06:29 GMT+7

Nhân dịp thăm VN từ ngày 11 - 13.9, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã dành cho Thanh Niên bài phỏng vấn độc quyền.

Ngoại trưởng kỳ vọng gì tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Cơ hội và thách thức nào cho ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0? Theo ông, Nhật Bản sẽ nằm ở đâu trong tầm nhìn hội nhập quốc tế của ASEAN ở kỷ nguyên công nghệ?
Tôi rất vui mừng được thăm lại VN khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm ngoái, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, tôi trở lại VN sau 25 năm và hết sức thán phục khi VN có những bước phát triển vượt bậc, đạt được vị trí vững chắc trên trường quốc tế trong thời gian qua. Tôi cho rằng năm nay là thời điểm phù hợp để VN đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Đây là lần đầu tôi tham dự diễn đàn trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Tôi hy vọng các phiên thảo luận sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. ASEAN là trung tâm tăng trưởng của kinh tế thế giới. Chúng ta phải làm sao để sự xuất hiện của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành động lực phát triển của khu vực.
Nhật Bản đang thúc đẩy mạnh mẽ “Sáng kiến Cách mạng công nghiệp 4.0 Nhật Bản - ASEAN” dựa trên khái niệm “đón nhận công nghệ số hóa, biến thành cơ hội tăng trưởng” do Singapore đề xuất. Đây cũng là nội dung ba trụ cột đối với ASEAN: “Nâng cao trình độ công nghiệp” đáp ứng nền kinh tế số; “Mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể”, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ; “Thúc đẩy việc áp dụng và thực hiện các quy tắc” đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Trên tinh thần của sáng kiến này, Nhật Bản mong muốn sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gắn kết với sự phát triển song phương Nhật Bản - ASEAN.
Một trong những thành tựu kinh tế khu vực đáng chú ý nhất thời gian qua là đàm phán thành công và ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (TPP11). Ngoại trưởng đánh giá thế nào về tương lai CPTPP và ý nghĩa của việc mở rộng thành viên?
TPP11 tạo dựng nên quy tắc chung mới theo mô hình thế kỷ 21 tại châu Á - Thái Bình Dương, là thể nghiệm xây dựng “khu vực kinh tế” tự do và công bằng. Hiệp định này sẽ góp phần hình thành thị trường thương mại rộng lớn với dân số khoảng 500 triệu người, GDP 10.000 tỉ USD và tổng kim ngạch thương mại lên tới 5.000 tỉ USD. Nhật Bản, Mexico và Singapore đã hoàn tất các thủ tục trong nước. Chúng tôi hy vọng VN và các thành viên khác sẽ sớm hoàn tất thủ tục để TPP11 sớm có hiệu lực vào năm tới. Các nước thành viên đều đồng ý rằng TPP11 là khuôn khổ hợp tác tự do và rộng mở, góp phần phổ biến rộng rãi các quy tắc mới theo mô hình thế kỷ 21 với sự tham gia của các quốc gia và vùng lãnh thổ mới. Với ý nghĩa đó, Nhật Bản hoan nghênh sự quan tâm của các bên đối với việc tham gia vào TPP.
Nhật Bản sẽ hợp tác với VN để hiện thực hóa và mở rộng TPP11, đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết cho các quốc gia và vùng lãnh thổ quan tâm. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, Nhật Bản mong muốn mở rộng thị trường tự do và công bằng tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, với nội dung chủ đạo là TPP11.
Hiện vẫn còn nhiều mối lo ngại về an ninh để có được một khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có các tranh chấp trên biển như vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng chia sẻ về quan điểm của Nhật Bản và chính sách trong thời gian tới?
Trật tự trên biển tự do và rộng mở trên tinh thần thượng tôn pháp luật là nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Với việc biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trở thành “giá trị chung toàn cầu”, Nhật Bản mong muốn cùng các đối tác như ASEAN góp phần đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Nhật Bản thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tự do và rộng mở, thông qua việc xúc tiến phổ biến và gắn kết tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, thương mại tự do; theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế nhờ tăng cường tính kết nối từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao; nỗ lực vì hòa bình và ổn định bao gồm cả hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, ứng phó thảm họa, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại Biển Đông, có thể nhận thấy các hành vi bồi đắp quy mô lớn, xây dựng căn cứ hay quân sự hóa nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng trong khu vực. Những hành vi này không chỉ cản trở tự do hàng hải, mà còn gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Lập trường nhất quán của Nhật Bản là ủng hộ thượng tôn pháp luật trên biển, kêu gọi các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động duy trì ổn định khu vực, trong đó có việc hỗ trợ nâng cao năng lực đối với VN và các quốc gia ven biển khác.
Đàm phán thành công CPTPP có thể coi là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa VN và Nhật Bản trong các vấn đề khu vực. Theo Ngoại trưởng, hai nước có thể mở rộng sự hiệu quả đó trong những vấn đề nào? Ông đánh giá thế nào về quan hệ song phương Việt - Nhật hiện nay và triển vọng trong thời gian tới?
Việc Nhật Bản và VN phối hợp chặt chẽ trong tiến trình đàm phán TPP11 là thành tựu to lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về mặt ngoại giao giữa hai nước. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, môi trường an ninh khu vực có nhiều biến động, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Nhật Bản và VN là đối tác ủng hộ và phát triển tăng cường liên kết như cơ chế thương mại tự do và công bằng, trật tự trên biển tự do và rộng mở trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, như đã thảo luận tại APEC 2017, Nhật Bản mong muốn phối hợp với VN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Từ tháng 8, VN tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ Nhật Bản - ASEAN, tới năm 2020 VN sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đây sẽ là cơ hội lớn để VN và Nhật Bản, hai nước chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, cùng nỗ lực trong các vấn đề khu vực và quốc tế thông qua tăng cường liên kết, phổ biến và gắn kết thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, kết nối khu vực, thực hiện chương trình “Green Mekong” hướng tới mục tiêu đa dạng sinh học và khả năng thích ứng với thảm họa thiên nhiên.
Trong chuyến thăm VN lần này, tôi và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh sẽ hội đàm lần thứ 3 trong năm nay. Chúng tôi sẽ trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở về tăng cường hợp tác song phương, cũng như cụ thể hóa hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, góp phần tạo nên một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Xin cảm ơn Ngoại trưởng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.