Những dạng toán có thể có trong đề thi tuyển sinh lớp 10

10/01/2018 16:39 GMT+7

Để giúp học sinh lớp 9 có sự chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, giáo viên có kinh nghiệm đã gợi ý những dạng bài toán có thể ra trong đề thi sắp tới.

Ngày 10.1, các trường THCS tại TP.HCM chính thức thực hiện chương trình học kỳ 2, trong đó học sinh lớp 9 bắt đầu chuẩn bị kiến thức và hồ sơ cho kỳ tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Về cấu trúc đề thi, Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo môn toán là môn có sự thay đổi nhiều nhất, cụ thể đề sẽ có 50% câu hỏi yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng là hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa. Học sinh không phải học nhiều môn, nhớ nhiều công thức, kiến thức chi tiết của những môn này vì có thể trong đề sẽ nhắc lại công thức nhưng học sinh cần hiểu kiến thức môn đó và vận dụng toán vào giải quyết câu hỏi.

Từ những công bố của Sở GD- ĐT TP.HCM về định hướng biên soạn đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018, giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cho biết đề có thể có những dạng toán sau:

50% kiến thức cơ bản chủ yếu là vận dụng giải bài toán biến đổi biểu thức đại số chứa căn bậc 2, định lí Viet, đồ thị và hàm số, bài toán hình học.

Còn 30% kiến thức tích hợp liên môn sẽ là những dạng bài toán liên quan đến kiến thức vật lý bao gồm bài toán yêu cầu tính vận tốc quãng đường, tỉ số, %...

Bài tập tích hợp kiến thức hóa học là vận dụng giải hệ phương trình về nồng độ %, các chất gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường...

Bài tập tích hợp kiến thức địa lý là tính tỷ lệ % phân bố các nguồn lực lao động, tài nguyên khoáng sản, vẽ biểu đồ về sự tăng trưởng của các nền kinh tế.

Hay có thể dùng kiến thức toán để giải bài tập về gien, di truyền, biến dị hoặc tính toán thông kê vẽ biểu đồ tăng dân nhập cư, phân bố lao động gắn với TP.HCM.

Đồng thời có thể sẽ là các bài toán về xác suất thống kê có vẽ biểu đồ, các vấn đề của thực tế tại TP.HCM để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội.

Còn lại 20% nội dung câu hỏi của đề thi sẽ là những câu hỏi thuần túy về toán, có mức độ nâng cao để phân hóa học sinh

Còn một thành viên hội đồng biên soạn đề thi của Sở lấy ví dụ về một câu hỏi vận dụng thực hiện như sau: Trong gia đình có người bị tiêu chảy, nhưng gấp rút không thể chạy đi mua thuốc được nên cần pha 300 ml nước giúp chống mất nước thì cần tỷ lệ đường và muối như thế nào?. Với câu hỏi này, học sinh cần có kiến thức về tỷ lệ %, nồng độ trong hóa học là có thể tìm ra đáp số...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.