Đó là do dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT mới công bố đã bỏ quy định việc sở GD-ĐT quy định cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này nếu trở thành quy định chính thức sẽ tác động rất lớn tới những địa phương vốn đã quy định nhiều đối tượng được cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 như Hà Nội và TP.HCM.
Hàng chục cuộc thi có điểm cộng
Bắt đầu từ năm 2014, việc tuyển sinh lớp 10 trên cả nước thực hiện theo Thông tư 11- Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, có hiệu lực ngày 2.6.2014. Trong đó, Bộ phân cấp sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.
Ngày 1.4.2015, UBND TP.HCM ra Quyết định 1419 về ban hành kế hoạch huy động trẻ đến trường và tuyển sinh các lớp đầu cấp, có quy định mức điểm trong các kỳ thi do TP.HCM tổ chức. Từ đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cụ thể hóa chế độ khuyến khích cho các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Theo đó, có 33 cấp độ khuyến khích với mức điểm cụ thể từ 0,5 - 2 điểm tương ứng với kết quả đạt được trong các kỳ thi học sinh (HS) giỏi các bộ môn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vẽ, văn hay chữ tốt, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, giải quyết tình huống, thí nghiệm thực hành, giải toán trên máy tính cầm tay, kỳ thi nghề phổ thông...
Tương tự, Hà Nội hiện có hàng loạt chế độ khuyến khích áp dụng cho các thí sinh đoạt giải trong các kỳ, cuộc thi với mức từ 0,5 - 2 điểm. Trong đó ngoài những cuộc thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, còn có thi viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay, vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn, giải toán bằng tiếng Anh, giải toán trên internet, Em yêu lịch sử VN, văn nghệ, thể thao... HS có chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở cấp THCS cũng được cộng điểm khuyến khích.
tin liên quan
TP.HCM: Đề thi lớp 10 năm 2018 sẽ nhẹ nhàng hơn năm 2017Tuy nhiên, mới đây, ngày 22.12.2017, trong thông báo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị giám đốc sở GD-ĐT về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ở mục số 7 về tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT, Bộ yêu cầu Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chỉnh sửa Thông tư 11, trong đó có chỉnh sửa quy định về hình thức tuyển sinh phù hợp với thực tiễn. Đồng thời Bộ quy định: “Không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, doanh nghiệp tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp THCS, THPT”.
Giáo viên, phụ huynh hoang mang
Trước những thông tin này, giáo viên và phụ huynh ở Hà Nội và TP.HCM đều hoang mang.
Trao đổi về những ảnh hưởng đối với HS, bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói: “HS lớp 9 năm nay sẽ thiệt thòi rất lớn. Chẳng hạn đối với quy định cộng điểm cho HS đạt chứng chỉ nghề phổ thông, HS học để tham gia kỳ thi nghề vào cuối năm lớp 8 và tùy vào nỗ lực, HS đã nhận chứng chỉ với mức điểm cộng từ 0,5 - 1,5 điểm”.
Bà Thiên Trang nói thêm, để trở thành thành viên của đội tuyển HS tham gia kỳ thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp TP diễn ra vào tháng 3 tới, HS cũng phải nỗ lực rất nhiều. Nếu không áp dụng chế độ khuyến khích thì e rằng không học trò nào muốn tham gia.
Phu huynh N.T.A, Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nói: “Thật sự tôi không muốn cho con tham gia lớp bồi dưỡng HS giỏi để đi thi vì thời gian học có nhiều xáo trộn và lo ngại cháu gặp nhiều áp lực, căng thẳng. Nhưng cháu nói cố gắng học để đoạt giải sẽ được cộng điểm vào lớp 10. Thấy con có mục tiêu phấn đấu như vậy nên tôi không cản. Giờ nếu Bộ không cho sử dụng kết quả vào xét tuyển lớp 10 thì những cố gắng đó có phần vô nghĩa”.
tin liên quan
Công bố cấu trúc đề thi lớp 10 tại TP.HCMMới đây, trong buổi tập huấn về phần mềm xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh lớp 10, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin: “Bộ đang lấy ý kiến các tỉnh thành về dự thảo sửa đổi Thông tư 11 về tuyển sinh các lớp đầu cấp. Trong đó vấn đề có nhiều ảnh hưởng đến HS là chế độ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh”. Vị này nói thêm: “Bộ đang trong quá trình lấy ý kiến và Sở chờ văn bản chính thức thì triển khai cho các trường”.
Còn đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết hiện Sở vẫn chờ quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT để căn cứ vào đó xây dựng hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 trình UBND TP phê duyệt. “Chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nếu theo dự thảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố”, vị đại diện này nói.
Ý kiến:
Tính toán thời gian áp dụng đảm bảo quyền lợi cho HS
Bộ cần tính toán thời gian áp dụng sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho HS. Vì đối với kỳ thi nghề phổ thông, ngay trong quá trình học, HS vừa phải đầu tư thời gian vừa phải bỏ kinh phí để chuẩn bị vật dụng. Giờ mà không cộng điểm thì lãng phí và tội nghiệp học trò.
Huỳnh Lê Ý Nhi (Giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Cần có lộ trình để HS không thiệt thòi
Đến thời điểm này HS lớp 9 đã hoàn tất hoặc kết thúc quá trình ôn tập chuẩn bị tham gia thi một số kỳ thi mà kết quả được cộng điểm khuyến khích vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như kỳ thi nghề phổ thông, giải toán bằng máy tính cầm tay, HS giỏi các môn văn hóa... Đặc biệt, hiện nay hơn 100.000 HS của TP.HCM đã có chứng chỉ nghề phổ thông và đã an tâm với việc cộng điểm vào kỳ thi sắp tới. Vì vậy nếu Bộ có bỏ quy định cộng điểm với các kỳ thi do Sở tổ chức thì cần có lộ trình.
Ngoài ra, việc các trường cho HS học là chủ trương của Bộ nhằm định hướng nghề nghiệp cho HS bắt đầu từ THCS. Nếu không còn cộng điểm thì e rằng HS sẽ không học môn học này nữa, vậy chủ trương này sẽ ra sao?
Trần Mậu Minh (Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, TP.HCM)
Hải Dương (ghi)
|
Sẽ không cuộc thi nào của Sở tổ chức được cộng điểm ?
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 5.1, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, giải thích: Dự thảo thông tư mới bỏ nội dung “Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích” nghĩa là những quy định của Sở GD-ĐT về cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến sẽ không còn hiệu lực, trong đó cuộc thi để lấy chứng chỉ nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD-ĐT tổ chức cũng không là ngoại lệ.
Theo dự thảo Bộ GD-ĐT công bố, các chế độ tuyển thẳng, ưu tiên cơ bản vẫn giữ như cũ. Tuy nhiên, ngoài những đối tượng được nêu trong quy định hiện hành, đối với HS đoạt giải các cuộc thi, nếu quy định hiện hành chỉ yêu cầu “HS đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học”, thì dự thảo sửa đổi quy định chặt hơn, đó là “HS đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT”. Như vậy, chỉ tuyển thẳng những HS đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.
Tuyết Mai
|
Bình luận (0)