Các giáo viên đưa ra ý kiến khác nhau về việc Trường THPT tại Phú Thọ sử dụng câu hỏi yêu cầu HS hóa thân thành ca sĩ Chi Pu (chiếm 7/10 điểm) trong đề kiểm tra môn ngữ văn. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi vận dụng thực tiễn nhưng không có tính giáo dục cao, khiến HS tham gia vào những tranh cãi không cần thiết trong giới showbiz.
Tương tự, năm 2016, đề kiểm tra học kỳ môn vật lý của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) lấy dữ liệu từ bộ phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc được chiếu trên đài truyền hình vào thời điểm đó. Nhiều giáo viên ở TP.HCM cho rằng dữ liệu không có tính đại trà, vì không phải HS nào cũng xem bộ phim này. Hơn nữa, đưa cảnh phim vào đề thi có phần khiên cưỡng, không tạo ra tình huống gắn bó cho nội dung các câu hỏi sau đó. Nội dung đề thi không thể hiện được tính định hướng lối sống cho HS.
tin liên quan
Đề thi ngày càng thực tế hơnThay vì những câu hỏi mang tính truyền thống, kiểm tra kiến thức hàn lâm khiến học sinh phải thuộc lòng để trả lời một cách máy móc, đề thi kiểm tra học kỳ của nhiều quận tại TP.HCM đã lồng ghép và vận dụng thực tiễn linh hoạt.
Mới đây, một trường THPT tại Hà Nội đã đưa nội dung câu hỏi liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền vào đề thi kết thúc học kỳ 1 dành cho HS lớp 12 với yêu cầu hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất này.
PGS-TS Bùi Hiền chia sẻ với báo chí rằng việc đưa đề xuất cải tiến chữ viết vào đề thi là hơi sớm và mang tính chất đánh đố HS. Công trình của ông chưa nghiên cứu hoàn thiện, HS cũng chưa được phổ biến một cách cụ thể về đề xuất mà chỉ biết qua thông tin đại chúng. Với một nghiên cứu khoa học, sự hiểu biết đó chưa tường tận. Vì vậy, cách đưa đề thi này có thể khiến HS không nói được quan điểm của mình.
Bình luận (0)