Đề thi học sinh giỏi độc lạ ở Bắc Giang

20/09/2017 07:23 GMT+7

Đề thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang với hình ảnh con thuyền giấy buộc vào một bóng đèn chìm dưới nước và yêu cầu học sinh bình luận đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều giáo viên và cả học sinh.

Ông Trương Minh Đức (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Lê Qúy Đôn, Q.3, TP.HCM) nhận xét: “Đề thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang năm nay với hình ảnh một con thuyền giấy buộc vào một chiếc bóng đèn chìm dưới nước và yêu cầu học sinh bình luận khá hay nhưng không hoàn toàn mới lạ. Nhiều năm qua, các đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM cũng đã sử dụng hình ảnh để khơi gợi tư duy và sự sáng tạo của học sinh. Vấn đề là việc lựa chọn hình ảnh phù hợp, có giới hạn về nội dung để đảm bảo học sinh có thể làm được và giáo viên có sự thống nhất trong việc đánh giá.
Đề thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Giang năm 2017
Ông Đức bình luận: “Kiểu ra đề này có thể kích thích tư duy, sự sáng tạo, phát huy khả năng liên tưởng của học sinh. Hình ảnh mở - nội dung mở, đáp án mở. Dạng đề thi này rất phù hợp với những học sinh có năng lực cảm thụ văn học nghệ thuật và mục đích kiểm tra, đánh giá là tìm kiếm, phát hiện và đào tạo học sinh theo định hướng khoa học xã hội. Dạng đề này, nên dành cho những nhóm học sinh nhất định, không thể ra đề chung cho tất cả đối tượng. Vì kết quả đánh giá sẽ khó đạt yêu cầu do mỗi đối tượng có những khả năng cảm thụ khác nhau. Mặc khác, việc đánh giá cũng sẽ gặp khó khăn do năng lực và sự chủ quan của người chấm”.
Ông Đức cho rằng: “Ở một mức độ thấp hơn, các đơn vị nên mạnh dạn sử dụng kiểu ra đề này hoặc sáng tạo hơn để dần thoát khỏi giới hạn phân tích văn bản văn học trong sách giáo khoa, hướng đến giá trị đúng đắn của việc học văn”.
Còn ông Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét: “Xu hướng ra đề thi mở là điều không lạ, luôn được khuyến khích bởi dư luận. Tôi đánh giá cao mục đích của người ra đề, nhất là với đề thi chọn học sinh giỏi. Về nguyên tắc, đề thi cũng đã gợi mở cho học sinh nhiều cách hiểu, nhiều phương án giải quyết vấn đề, phần nào đã kích thích tư duy sáng tạo của các em. Cách ra đề NLXH về vấn đề rút ra từ hình ảnh, tranh vẽ đã được Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện nhiều lần, ngay từ đề thi tuyển sinh lớp 10 và chọn học sinh giỏi bậc THCS. Nhưng hình ảnh, tranh vẽ trong các đề thi này một là có định hướng kèm theo, hai là không đánh đố học sinh trong việc phát hiện vấn đề cần nghị luận. Từ đó, tôi không đánh giá đề thi vừa qua là một đề thi tốt. Thứ nhất, đề thiếu định hướng. Thứ hai, có quá nhiều vấn đề có thể rút ra từ hình vẽ trên, tuỳ theo năng lực tưởng tượng và trải nghiệm của người viết. Thứ ba, đâu là cơ sở để kiểm nghiệm cho cách hiểu nào là hợp lý hay tất cả đều là suy diễn, vì đôi khi chỉ có người vẽ hình mới có thể kiến giải ý nghĩa bản thân muốn chuyển tải.
Ông Khôi chia sẻ thêm: “Tôi trông chờ đáp án của đề thi trên, và tôi nghĩ người ra đề cũng nên công bố đáp án để dư luận được hiểu ý đồ của mình. Một đề thi tốt thì đáp án cũng phải tốt, rõ ràng, tiêu chí đánh giá hợp lý. Nếu đáp án không có được điều này, tôi càng có lý do e ngại động cơ của người ra đề. Một giáo viên giỏi phải khơi nguồn sáng tạo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.