Lời khuyên trên đã được các chuyên gia nêu ra trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Cơ hội theo học các chương trình đặc biệt” tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 26.7.
Hình thức học tập đa dạng
Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng có chương trình do trường cấp bằng và chương trình do trường đối tác cấp bằng. Trong đó, chương trình do trường cấp bằng hợp tác với 4 trường ĐH của Mỹ đào tạo về công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, điện - điện tử, kiến trúc và xây dựng... Chương trình liên kết du học do trường đối tác nước ngoài cấp bằng, sinh viên có thể học 1 hoặc 2 năm ở VN và các năm còn lại ở Mỹ. Chương trình liên kết với Anh sẽ học 3 năm ở VN và 1 năm ở nước này. Ngoài ra, trường còn có chương trình du học tại chỗ nhưng nhận bằng do trường ĐH của Mỹ cấp.
tin liên quan
Cơ hội theo học các chương trình đặc biệtTương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM có nhiều chương trình liên kết quốc tế với Bỉ, Đức, Úc, Anh... Trong đó, có chương trình liên kết theo mô hình 3+1, 2+2 dành cho sinh viên theo học bậc ĐH. Năm nay, trường có chương trình tuyển sinh riêng liên kết với Úc (với ĐH Flinders) và Pháp.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có 2 chương đặc biệt. Trong đó, chương trình theo chuẩn quốc tế lớp học có 25 - 30 sinh viên và học toàn bộ bằng tiếng Anh. Chương trình liên kết với Anh quốc học 2,5 năm để nhận bằng CĐ của trường đối tác và liên thông 1 năm lấy bằng cử nhân.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hiện có chương trình tiên tiến đào tạo kiến trúc sư hợp tác với một trường ĐH ở châu Âu, 2 chương trình liên kết quốc tế với trường ĐH của Úc theo mô hình 2+2 đào tạo các ngành gồm thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế tạo dáng... Trường này còn có chương trình mới liên kết với Trường ĐH Bắc Đan Mạch về lĩnh vực này.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có nhiều chương trình quốc tế như: giao lưu sinh viên quốc tế, chuyển tiếp quốc tế ở các trường đối tác, liên kết quốc tế. Sinh viên có thể học 4 năm tại VN, 2 năm ở VN và 2 năm ở nước ngoài. Sinh viên cũng có thể học chương trình song bằng, nhận bằng tại trường và có thể tích lũy thêm tín chỉ nhận bằng của trường đối tác.
Điều kiện tiếng anh đầu vào
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, sinh viên cần có trình độ tiếng Anh và kinh phí để theo học các chương trình liên kết. Theo tiến sĩ Hải, có những chương trình, không yêu cầu cao về tiếng Anh đầu vào vì có hỗ trợ đào tạo trước khi sinh viên tiếp cận với chương trình chính thức. Tuy nhiên, có những chương trình yêu cầu sau năm thứ 2 phải đạt IELTS từ 6.0 trở lên để bước qua giai đoạn chuyển tiếp. Tại Trường ĐH Duy Tân, mô hình 1+1+2 là chương trình duy nhất không cần cao đầu vào tiếng Anh vì sẽ được học một năm tiếng Anh ở nước ngoài.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng thí sinh không cần lo lắng về trình độ tiếng Anh khi theo học các chương trình này tại trường. Bởi lẽ sinh viên được kiểm tra đầu vào trình độ tiếng Anh, tham gia lớp tiếng Anh dự bị miễn phí...
Thạc sĩ - kiến trúc sư Vũ Việt Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thông tin: “Làm chủ chuyên môn và ngoại ngữ không chỉ nhiều cơ hội học tập mà cơ hội việc làm cũng khả quan. Do vậy, chương trình quốc tế của trường yêu cầu đầu vào tiếng Anh tương đương IELTS 4.5 điểm nhưng khi học chương trình chuyển tiếp phải có 6.0 - 6.5 IELTS trở lên”.
Có được chuyển đổi sang chương trình khác ?
Theo học chương trình quốc tế, giữa chừng nếu bị “gãy” thì có được trở lại với chương trình thường là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Theo đại diện các trường, điều này sẽ phụ thuộc vào hình thức, điều kiện tuyển sinh đầu vào.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho hay thí sinh muốn theo học chương trình liên kết tại trường bắt buộc phải đạt điểm chuẩn của chương trình thường. Do vậy, nếu đang học mà bị “gãy”, sinh viên có thể “rút lui” về chương trình bình thường để được cấp bằng bởi Trường ĐH Duy Tân.
Tiến sĩ Vân Thị Hồng Loan, phụ trách Khoa Đào tạo đặc biệt Trường ĐH Mở TP.HCM, gợi ý sinh viên chương trình liên kết quốc tế nếu trục trặc trong quá trình học có thể theo học chương trình du học tại chỗ. Các chương trình này đều có chung điều kiện đầu vào là tốt nghiệp THPT và điểm IELTS 4.5 điểm. Riêng sinh viên trúng tuyển vào trường bằng chương trình đại trà, sau đó theo học chương trình đặc biệt thì quay về lại chương trình cũ.
Tương tự, theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, các chương trình có đầu vào khác nhau nên nếu vào trực tiếp chương trình liên kết mà muốn quay ngược lại chương trình chính quy phải tham gia xét tuyển.
Còn thạc sĩ Dương Duy Khải cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét đầu vào chung cho chương trình liên kết và đại trà theo 2 hình thức: kết quả thi và học bạ THPT. Vì vậy, sinh viên có thể chuyển từ liên kết qua chương trình học bình thường nếu không muốn tiếp tục.
Bình luận (0)