Những trăn trở từ đáp án môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
13/07/2021 09:15 GMT+7

Một số chuyên gia, giáo viên cho biết vẫn có một số trăn trở từ đáp án môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 10.7.

Ngày 10.7, Bộ GD-ĐT đã công bố đáp án môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng đáp án vẫn chưa hoàn toàn mang đến sự hài lòng. 

Học trò có tư duy phản biện sẽ 'bức bối'!

Theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An, nhìn vào đáp án môn văn có thể có một số ý nhận xét nhanh. Đầu tiên là phần Đọc hiểu dành 50% số điểm (1,5 điểm) cho câu 1 và 2 chỉ cần chép đúng hai câu đầu và cuối đoạn. Đây là yêu cầu dành cho học trò tiểu học! 
Ở câu hỏi 3, đáp án có ba ý. Đó là "Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hoà/Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả/ Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hoà!". Đáp án này dẫn đến một nghịch lí trong câu hỏi và đáp án. Đó là đoạn văn đúng là gợi sự thanh bình yên ả của cả nước và cuộc sống. Nhưng nếu từ câu đọc hiểu này mà học sinh tự rút cho mình thông điệp, các em sẽ chạm phải nghịch lý khi trong thực tế, cuộc sống cũng như dòng sông luôn nối tiếp cả êm đềm và ghềnh thác.
Theo tiến sĩ Tuyết, cắt khúc một đoạn văn rồi yêu cầu học trò nhận xét theo hướng êm đềm hài hoà như vậy thì những học trò có tư duy phản biện sắc sảo sẽ bức bối khó chịu vì cảm giác áp đặt. Những học sinh ngoan hiền sẽ yên tâm về dòng đời êm ả (như bài thi) thì sự yên tâm sẽ khiến các em phải trả giá đau đớn khi gặp ghềnh thác! 
"Nếu vẫn cho đoạn văn cắt khúc ấy, nên hướng tới nhận xét điểm giống nhau giữa dòng chảy của nước và cuộc sống con người theo gợi ý quen thuộc của Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cuộc sống như dòng sông, luôn trôi chảy với cả sự vĩnh hằng và thay đổi, vậy thôi!", tiến sĩ Tuyết chia sẻ. 
 
Cũng theo tiến sĩ Tuyết, ở câu nghị luận văn học, cả phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới một nét rất “nữ tính” và rất “Xuân Quỳnh”, đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao…
Theo giáo viên môn văn có thâm niên tại một trường THPT ở H.Hóc Môn (TP.HCM), câu 3 phần đọc hiểu có ý nghĩa triết lý nhất, làm nên sức hấp dẫn và chiều sâu của đề. Tuy nhiên, đáp án chấm thi lại yêu cầu quá đơn giản, chỉ cần nêu ra nghĩa tường minh nổi rõ trên câu chữ. Trong khi đó câu này có số điểm cao nhất phần đọc hiểu (1 điểm). Vì vậy đáp án như thế là không thỏa đáng. Cần khuyến khích những bài làm rút ra được ý nghĩa sâu sắc “về cuộc sống con người” để cho điểm tuyệt đối. Nếu không, giám khảo dễ bị “máy móc hóa” cách chấm theo kiểu nhìn vào các “từ khóa” (“chậm rãi, hiền hòa, thanh bình, yên ả…”) mà cho điểm.

Có cần 'mượn' tác giả gây tranh cãi nói về 'sống cống hiến'?

Trong đáp án môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, phần Làm văn có đưa ra ba-rem khá chi tiết để chấm khi yêu cầu học sinh viết đoạn văn về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Nhưng việc trích dẫn đoạn văn này để nói về 'sống cống hiến' cũng gây ra nhiều trăn trở cho các chuyên gia, học giả.
Tuy nhiên, ngay từ khi có đề thi, đã có rất nhiều chuyên gia, học giả không đồng tình về chuyện Bộ GD-ĐT trích đoạn từ một cuốn sách "nói về khoa học nhưng lại dùng ngôn ngữ và dẫn chứng không phải là khoa học" của một tác giả đang có nhiều tranh cãi, bị nhiều người cho là 'ngụy khoa học'. 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh - người nổi tiếng về nghiên cứu và viết sách về Einstein tại Việt Nam, cho rằng không hiểu nổi khi trích tác phẩm của một nhân vật gây tranh cãi về tính khoa học và 'tính tâm linh' như vậy vào một đề thi cấp quốc gia. Người Việt dường như thường mê những gì huyền bí, khó hiểu, cho đó mới là 'khoa học' đáng học hỏi trên hết.
Đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Bình luận trong bài viết "Tác giả đoạn trích trong đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn là người 'ngụy khoa học'?" trên Báo Thanh Niên, nhiều bạn đọc cho rằng để nói về 'sống cống hiến', có rất nhiều dẫn chứng có thể đưa ra, không nhất thiết phải trích dẫn từ một tác giả như vậy. Một số bạn đọc còn cho rằng việc trích dẫn này chứng tỏ sự sính ngoại đã ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ ra đề. 
Bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng (Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM), nêu ra một ý kiến rất đáng suy nghĩ: "Có hàng triệu đoạn văn có nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa rõ ràng tại sao lại không 'mượn'? Có hàng vạn câu chuyện đời thường nói về sự cống hiến, nhưng tại sao không thích mượn? Bao nhiêu y, bác sĩ đang chống dịch - người thì ngất tại chỗ, người thì phải chịu tang cha mẹ ngay tại bệnh viện thì tại sao không... mượn?". 
Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới chỉ công bố chính thức đáp án môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đáp án các môn khác sẽ được Bộ công bố lần lượt trong những ngày sắp tới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.